Con đường mòn bắt đầu từ đường trục xã rẽ ra cánh đồng tới nghĩa trang nối liền thôn Hà Đông với 3 thôn trước kia mỗi khi mưa xuống lầy lội, trơn trượt khiến cho trẻ em đến trường gặp nhiều khó khăn, giờ đây đang được trải bê tông sạch sẽ. Bác Nguyễn Xuân San, Bí thư chi bộ thôn Hà Đông cho biết: Tết này, bà con có đường mới để đi thăm hỏi, chúc Tết anh em, hàng xóm, ai nấy đều phấn khởi lắm. Trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió của người đảng viên già ánh lên niềm vui khôn tả. Sau khi rời quân ngũ, trở lại quê hương, năm 1993, bác San được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn. Với bản chất của người lính Cụ Hồ, ở cương vị nào, bác đều gương mẫu đi đầu trong các phong trào và tích cực vận động bà con trong thôn chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã về xây dựng nông thôn mới, chi bộ thôn đã tổ chức cuộc họp mở rộng, thống nhất chủ trương trong đảng viên và tổ chức lấy ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Chi bộ xác định để khơi dậy được phong trào, trước hết từng đảng viên phải thông suốt, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, vừa tuyên truyền, vừa làm gương cho người dân. Nói đi đôi với làm, bản thân bác San đã tự nguyện hiến hơn 60m2 đất ở và phá dỡ công trình phụ để mở rộng đường ngõ không đòi hỏi bồi thường.
Cũng việc làm như của bác San, khi nhà nước mở rộng tuyến đường thị trấn Yên Ninh - chùa Chè, có 2 hộ gia đình đảng viên Nguyễn Văn Hùng và Bùi Thị Cẩm đã tự tháo dỡ, dịch chuyển tường rào vào bên trong, tiếp đó cả 14 hộ dọc tuyến đường đồng tình làm theo giải phóng mặt bằng cho công trình triển khai đúng tiến độ. Từ ý thức của đảng viên đã nhân lên ý thức của cộng đồng, đến nay, các tuyến đường trong ngõ đã cơ bản hoàn thành, năm 2013, thôn Hà Đông tiếp tục vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức để làm đường giao thông nội đồng và đường liên thôn.
Không chỉ gương mẫu trong việc làm đường giao thông nông thôn, các cán bộ, đảng viên ở thôn Hà Đông còn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Năm 2012, thôn chỉ còn 2% hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng lên 40%. Chi bộ thôn Hà Đông nhiều năm liền được công nhận là chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Rời vùng đồng bằng, ngược lên xã miền núi Yên Quang, huyện Nho Quan, nơi có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Được chọn là một trong 5 xã của huyện làm điểm về xây dựng nông thôn mới, Yên Quang xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, xã tập trung tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình trong việc xây dựng nông thôn mới, từ đó nhân dân thực sự vào cuộc và đạt được những kết quả cao.
Bác Bùi Đình Tiếp, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Yên Thủy mời chúng tôi vào tham quan những con đường liên gia, ngõ xóm mới hoàn thành cách đây chưa lâu. Bác Tiếp kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của làng. Thôn Yên Thủy hiện có 128 hộ với trên 500 khẩu, trong đó 100% là đồng bào dân tộc Mường. Cách đây vài chục năm, gia đình bác cùng với bà con rời làng cũ trên rừng xuống định cư trên những khu đất được Nhà nước quy hoạch, chia thành các ô bàn cờ hiện nay. Từ một làng nghèo nhất xã, giờ đây, đời sống của người dân trong thôn đã được cải thiện rõ rệt, thôn đã xóa được nhà tranh tre, vách đất, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 8%...
Tuy vậy, hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng của thôn vẫn chưa được kiên cố hóa đồng bộ. Những con đường được xây dựng từ những năm 1960 của thế kỷ trước lâu ngày đã xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại cũng như sản xuất của bà con. Sau khi được quán triệt chủ trương về xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền thôn đã họp bàn, lấy ý kiến nhân dân, đồng thời chia thành 12 nhóm liên gia để họ tự bàn bạc, thống nhất cách làm. Từng nhóm hộ tổ chức họp dân, lập dự toán, quyết định số tiền đóng góp (từ 650 đến 700 nghìn đồng/khẩu) mua cát, đá cấp phối đổ nền và tham gia đóng góp ngày công lao động làm đường.
Từ cách làm công khai, dân chủ, mọi việc đều do nhân dân bàn, giám sát trong quá trình thi công, cấp ủy, chính quyền, Ban phát triển thôn chỉ đứng ra tổ chức, điều hành đảm bảo tính thống nhất nên tạo được sự tin tưởng tuyệt đối của người dân. Cũng từ cách làm đó, nhân dân phấn khởi, khí thế ngày một lên cao, chỉ trong vòng một tháng, toàn thôn đã cơ bản làm xong đường liên gia, ngõ xóm với tổng chiều dài 1.530m, rộng 2,5m theo đúng tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt là chất lượng các tuyến đường được đảm bảo và không có sự thất thoát, lãng phí khi mỗi hộ đều có ý thức tiết kiệm từng cân xi măng, từng viên đá. Có đường mới, bà con cũng nêu cao ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường cho đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp.
Đã gần chục năm làm bí thư chi bộ ở cơ sở cũng là ngần ấy năm bác Tiếp gắn bó với cái nghiệp "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", ngày đêm lăn lộn với xóm làng, kịp thời có mặt giải quyết các vấn đề phát sinh ngay trong nội bộ nhân dân, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con tham gia chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, xóm. Bác tâm sự: Thực tiễn làm công tác ở cơ sở, để người ta nghe, tin và làm theo chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước thật không dễ dàng. Đối với cán bộ ở vùng cao, miền núi thì càng khó hơn, khi mà đời sống nhân dân còn chật vật, nếu cán bộ không nghĩ tới lợi ích tập thể mà chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân thì trước hết sẽ gây mất đoàn kết nội bộ, sau nữa làm giảm sút lòng tin của dân.
Thực tế, không phải mọi chủ trương, chính sách nào ban hành cũng được người dân ủng hộ ngay nhưng trong quá trình thực hiện, người dân nhận thấy chủ trương đó thực sự hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng thì họ sẽ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và tự giác thực hiện, bác Tiếp chia sẻ.
Mùa xuân này, đi trên các nẻo đường quê, mỗi người đều cảm nhận được sự thay da, đổi thịt trên chính mảnh đất quê mình, vóc dáng một nông thôn mới đang dần hiện hữu. Có lẽ, chính từ những chủ trương, Nghị quyết của cấp ủy đến sự gương mẫu, đi đầu của những cán bộ, đảng viên như bác San, bác Tiếp… đã khơi thông nguồn lực trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Bài, ảnh: Thùy Phương