Khó khăn lắm tôi mới gặp được anh Nguyễn Văn Dụng, ngư dân xóm 8, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn bởi thời gian của anh ở trên biển nhiều hơn ở nhà. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng gia tài, tay nghề và thành tích đi biển của anh Dụng khiến nhiều người phải nể phục. Hiện anh là chủ nhân của 2 trong số 6 con tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ của tỉnh Ninh Bình.
Bên tách trà nóng trong cái lạnh cuối đông, anh Dụng kể cho tôi nghe về cuộc mưu sinh đầy sóng gió, cũng như tình yêu và khát vọng của mình về biển đảo. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề khai thác, đánh bắt hải sản, Nguyễn Văn Dụng đã sớm bộc lộ năng khiếu bơi lội thiên bẩm và sức khỏe vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa. 13 tuổi anh đã theo cha rong ruổi trong những chuyến ra khơi.
Lớn hơn chút nữa, Dụng lại "khăn gói" vào tận các tỉnh Quảng Nam, Bình Định… làm thuê trên các tàu lớn để học nghề, nâng cao kiến thức đánh bắt hải sản. Vất vả, gian khó nhưng thành quả có được sau những ngày đánh bắt ngoài khơi xa như chất men làm cho Nguyễn Văn Dụng càng ngày càng gắn bó hơn với biển. Với anh cuộc sống không thể thiếu những tiếng sóng rì rào, cái nắng, cái gió, vị mặn mòi của biển. Chăm chỉ lao động, gom góp được số vốn kha khá, năm 2014, anh Dụng quyết định trở về quê "sắm" thuyền to máy lớn cho riêng mình. Hoạt bát, nắm chắc các kỹ thuật đánh bắt, tinh thông trong việc tìm kiếm luồng cá nên tàu khai thác của anh hoạt động khá hiệu quả, có ngày thu 3-4 tấn cá. Chỉ một thời gian ngắn, anh Dụng đã tích lũy mua thêm được con tàu thứ 2. Giờ đây, mỗi năm doanh thu từ nghề cá của gia đình lên tới cả tỷ đồng. | Ước mơ giăng buồm, thả lưới, lướt trên những con sóng nơi vùng biển xa sánh vai cùng ngư dân cả nước làm giàu trên vùng biển quê hương của anh Công cũng là ước mơ của bao ngư dân khác của Ninh Bình. Hôm nay, niềm mơ ước, giấc mơ ấy sắp trở thành hiện thực khi gia đình anh Công cùng các chủ tàu khác nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ Chính phủ và của tỉnh. |
Ở tuổi 65 nhưng lão ngư Trần Văn Diệm, thủ lĩnh của những ngư dân vùng biển Kim Sơn trông vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn và nhanh nhẹn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Diệm cho biết: Gia đình tôi đã 4 đời làm ngư dân. Từ bé, trong ký ức của tôi đã gắn liền với những chuyến đi biển dài ngày của bố.
Lập gia đình, sinh con đẻ cái, khi hai người con trai đầu của ông trưởng thành, ba bố con ông lại đi dọc Bắc Nam làm thuê trên những chiếc thuyền đánh bắt xa bờ. Kể đến đây, ông Diệm nghẹn ngào: Đời tôi đã khổ cực, bấy giờ nhìn thấy các con mình nai lưng đi làm thuê, tôi cảm thấy rất trăn trở...
Cũng chính vì điều này, ông càng chăm chỉ lao động, mong có đủ tiền hiện thực hóa giấc mơ tàu lớn của riêng gia đình. Cuối cùng, năm 2007, ước nguyện của bố con ông cũng trở thành sự thực với 1 cặp tàu 320 mã lực. Hàng năm, gần 40 chuyến đi biển đem về nguồn lợi từ 200 - 300 triệu đồng đã giúp gia đình ông ổn định kinh tế.
Không dừng lại ở đó, tháng 11-2015, ông Diệm quyết định thành lập HTX khai thác hải sản Kim Chính do ông làm Giám đốc với 29 thành viên, với mong muốn tăng thu nhập và tạo được việc làm cho nhiều thanh niên địa phương. Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, những chuyến đi biển của ông Diệm cũng thưa dần do tuổi đã cao, tuy vậy không phụ lòng cha, 6 người con trai của ông cùng chung chí hướng chinh phục biển cả.
Không chỉ vững vàng chèo lái giữa muôn ngàn trùng khơi sóng gió, các con của ông đều mang trong mình tình yêu biển và trách nhiệm của người công dân, không nề hiểm nguy để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Anh Trần Văn Công - người con thứ 3 của ông Diệm chia sẻ: "Điều tôi trăn trở nhất hiện nay là Ninh Bình hiện chưa có nhiều tàu khai thác xa bờ nên nhiều lúc cảm thấy lẻ loi giữa biển khơi. Khi thuận buồm xuôi gió thì không sao, lúc xảy ra các tình huống bất trắc thì không biết xử lý như thế nào.
Đặc biệt hiện nay, khi thời tiết, khí hậu ngày càng thất thường, nguồn lợi hải sản có phần suy giảm, tự nghĩ muốn bám trụ lâu dài được với nghề biển thì phải tính đến việc đánh bắt xa bờ và tất nhiên phải đầu tư phương tiện, ngư cụ đủ quy chuẩn. Đặc biệt là hình thành các tổ, đội để hỗ trợ lẫn nhau trong mọi tình huống.
Ước mơ giăng buồm, thả lưới, lướt trên những con sóng nơi vùng biển xa sánh vai cùng ngư dân cả nước làm giàu trên vùng biển quê hương của anh Công cũng là ước mơ của bao ngư dân khác của Ninh Bình.
Hôm nay, niềm mơ ước, giấc mơ ấy sắp trở thành hiện thực khi gia đình anh Công cùng các chủ tàu khác nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ Chính phủ và tỉnh. Đặc biệt trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP, chủ tàu đóng mới tàu có công suất máy chính từ 400 CV trở lên được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa lên tới 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất ưu đãi.
Anh Nguyễn Văn Dụng hồ hởi chia sẻ với chúng tôi: "Ngay sau khi tiếp cận Nghị định 67 tôi đã đăng ký đóng tàu vỏ thép công suất 1055 CV, trọng tải hơn 238 tấn, trị giá 20 tỷ đồng để vươn khơi. Đến nay, mọi thủ tục đã hoàn tất, vỏ tàu cũng đã đóng xong giờ chỉ còn đợi lắp đặt thiết bị và hoàn thiện một số chi tiết nữa. Dự kiến đến đầu năm sau là con tàu này có thể hạ thủy".
Được biết, hiện ngư dân trong tỉnh đã được Nhà nước hỗ trợ đóng mới 4 con tàu công suất lớn theo Nghị định 67. Chẳng bao lâu nữa những con tàu này sẽ bổ sung vào đoàn tàu công suất lớn của Ninh Bình vươn khơi xa, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho bà con. Và điều quan trọng nữa là sẽ góp phần đảm bảo chủ quyền biển đảo quốc gia, an toàn trên biển, tạo bước chuyển mới trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Bài, ảnh: Hà Phương, Đức Lam