Tại xã Khánh Vân, nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, địa phương đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao. Điển hình như mô hình trồng măng tây của gia đình bác Phạm Thị Tâm, xóm 6, thôn Vân Tiến. Bác Tâm cho biết: "Đầu năm 2016, gia đình tôi bắt đầu chuyển đổi 8 sào đất màu trước đây trồng các cây trồng truyền thống sang trồng măng tây. Sau 1 năm trồng, tôi thấy đây là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các cây trồng khác, thời gian khai thác kéo dài đến 10 năm. Măng ra ngọn rất nhanh nên hàng ngày đều được thu hoạch, ước tính năm đầu mỗi sào cho năng suất đạt 1 tạ rau thành phẩm. Thị trường không phải lo vì đây được coi là rau đặc sản, lại hiếm, như tại Ninh Bình mới có hai mô hình. Toàn bộ măng tây thu hàng ngày đều được tiêu thụ tại Hà Nội với giá 70.000 đồng/kg. Như vậy, năm đầu tiên gia đình tôi thu được 56 triệu đồng từ 8 sào măng. Các năm tiếp theo dự kiến năng suất cây măng tây đạt gấp đôi năm đầu tiên vì cây đã phát triển ổn định, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình". Mặc dù hiệu quả cao nhưng bác Tâm cho biết thêm, cây măng tây đòi hỏi kỹ thuật khó hơn và đầu tư ban đầu cũng cao hơn các cây trồng khác. Với 8 sào trồng măng, bác phải đầu tư tới 80 triệu đồng, bình quân mỗi sào lên đến 10 triệu đồng. Chi phí cao do giá giống đắt, mỗi cây giống nhập vào có giá 12 nghìn đồng. Tuy nhiên, các năm sau không tốn nhiều chi phí, chỉ cần bón lượng phân nhất định. Như vậy, với thời gian thu hoạch dài 10 năm, chi phí bình quân mỗi sào chỉ tốn hơn 1 triệu đồng/năm nhưng hiệu quả kinh tế cây măng tây mang lại trên 14 triệu đồng/sào/năm (trên 350 triệu đồng/ha). Đây được đánh giá là mô hình triển vọng, có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Cũng ở Khánh Vân, các mô hình trồng nấm thời gian qua cho hiệu quả rất cao, góp phần phát triển kinh tế hộ, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Gia đình ông Trần Văn Tư, thôn Vân Tiến là một những người đầu tiên ở xã Khánh Vân chọn nghề trồng nấm để phát triển kinh tế gia đình. Từ quy mô vài trăm m2 ban đầu chuyên sản xuất nấm sò, giờ đây gia đình ông Tư đã mở rộng diện tích trên 2.000 m2 với nhiều loại nấm khác nhau từ linh chi đến nấm sò, mộc nhĩ… Nhờ trồng nấm, cuộc sống gia đình ông trở nên khá giả, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, trang trại nấm của ông còn thu hút, giải quyết việc làm thường xuyên cho 7-8 lao động lúc nông nhàn với mức thu nhập mỗi người từ 1,5-3 triệu đồng/tháng.
Theo ông Bùi Văn Hạnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Khánh Vân, một trong những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế của địa phương là xây dựng, nhân rộng một số mô hình hiệu quả. Trong 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, qua chủ trương khuyến khích, phát triển sản xuất, nhiều mô hình đã phát triển cả về số lượng, quy mô, chất lượng, hiệu quả góp phần ổn định kinh tế-xã hội địa phương. Hiện nay trên địa bàn xã có 8 trang trại, 34 gia trại và 78 mô hình kinh tế tổng hợp. Trong đó có 27 mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả tốt, nhiều hộ làm nông nghiệp có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình có quy mô lớn, thu hút nhiều lao động địa phương và có thu nhập từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Điển hình như hộ ông Phạm Văn Hùng, ông Phạm Văn Mỹ, ông Trần Văn Tư trồng nấm có hiệu quả từ 300-500 triệu đồng/năm; hộ bà Phạm Thị Liên xây dựng trang trại tổng hợp chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, nuôi cá, nuôi ba ba... có thu nhập trên 400 triệu đồng/năm; ông Lương Văn Liễu thuê đất nuôi và nhân giống vịt trời có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm...
Cùng với phát triển mô hình kinh tế có hiệu quả, Khánh Vân tiếp tục chuyển dịch cơ cấu và áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay vùng sản xuất lúa chất lượng cao 100 ha/năm tiếp tục mang lại hiệu quả; địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất cho cây thuốc lào gần 100 ha có hiệu quả 250 triệu đồng/ha. Vụ đông đã quy hoạch 130 ha và quy hoạch các vùng sản xuất ít nhất 3 ha với các cây trồng có giá trị cao như khoai tây, bí xanh, ngô nếp, ngô ngọt thương phẩm, ớt chỉ thiên, rau màu khác. Riêng ở vụ Đông 2016-2017, diện tích cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao, có liên doanh, liên kết đầu ra ổn định đạt 55 ha. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật hỗ trợ nông dân sản xuất được quan tâm có hiệu quả. Trong đó phải kể đến việc áp dụng phương pháp gieo sạ đã đạt 80% diện tích ở cả hai vụ, tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất đạt từ 70-100%.
Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Khánh Vân tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và làng nghề mây tre đan đã được UBND tỉnh công nhận, góp phần phát triển kinh tế địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân. Tính đến hết năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 32,6 triệu đồng/năm, tăng 2,76 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 13,53%, giảm xuống còn 3,3% năm 2016. Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế trong thời gian qua đã góp phần thực hiện thành công các tiêu chí liên quan và tạo nguồn lực lớn để xã phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2017.
Bài, ảnh: Hồng Giang