Ngay sau khi Chính phủ ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, HĐND xã ban hành Nghị quyết về quy hoạch, đề án chi tiết, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM.
Chủ tịch UBND xã Phạm Xuân Khoát cho biết: "Việc giao đất theo Quyết định 313 năm 1993 của UBND tỉnh Ninh Bình và dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) năm 2003 ở thời điểm đó cơ bản đáp ứng yêu cầu của sản xuất, nhưng đến nay không còn phù hợp với thời kỳ đổi mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do diện tích đất ruộng còn nhỏ lẻ, manh mún; các thôn đan xen nhau trong cùng một xứ đồng; bờ vùng, bờ thửa, hệ thống kênh mương có chỗ chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa.
Trước tình trạng đó, xã đã triển khai công tác DĐĐT, vận động nhân dân tự nguyện dồn chuyển diện tích, vị trí sản xuất nông nghiệp hiện có của hộ gia đình, sau khi đã đóng góp một phần diện tích để làm kênh mương, giao thông nội đồng. Các gia đình từ nhiều thửa ở các xứ đồng khác nhau được dồn đổi thành một thửa lớn để đưa vào cơ giới hóa nông nghiệp.
Công tác DĐĐT được thực hiện với các nguyên tắc: Đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy, chính quyền; sự phối kết hợp của các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và sự tham gia bàn bạc của nhân dân trong quá trình thực hiện; chống tư tưởng chủ quan, hữu khuynh, ngại va chạm, đảm bảo đoàn kết, ổn định tình hình nông thôn.
Khánh Trung có cách làm khá mạnh và hay khi thực hiện DĐĐT, đó là "rũ tung, điều chuyển hộ và chia lại toàn bộ trên diện tích canh tác ở thôn và toàn xã". Trong đợt DĐĐT vừa qua, có khoảng 700 khẩu thuộc diện "điều chuyển từ thôn này tới thôn khác" khi kết hôn với người trong xã, hoặc làm nhà ở thôn khác. Đối với những diện tích ruộng của các hộ gia đình chính sách được cấp năm 1993 được bố trí diện tích thuận tiện cho việc canh tác ở từng thôn, đảm bảo gọn khu, gọn vùng.
Xã xác định việc quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng phải đảm bảo phục vụ cho trước mắt và lâu dài, phát huy hiệu quả, tiến tới mục tiêu kiên cố hóa kênh mương, đảm bảo tiết kiệm đất đai, tiết kiệm chi phí đầu tư. Các thôn trực tiếp xây dựng phương án chi tiết DĐĐT cho đơn vị mình theo Đề án chung của xã và trực tiếp tổ chức thực hiện. Khi thực hiện DĐĐT, Ban chỉ đạo xã khuyến khích các hộ gia đình liên kết sản xuất ở mỗi khu gọn thửa, anh em, bà con trong hộ liền kề, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển nhượng, cho, tặng góp vốn trong sản xuất để chuyển dần một bộ phận lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác, chuyển đổi từ lao động thủ công sang lao động bằng các phương tiện cơ giới hóa, từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hiện đại, hiệu quả, bền vững. Chủ tịch UBND xã Phạm Xuân Khoát khẳng định DĐĐT là vấn đề khó khăn nhất trong xây dựng NTM, thì nay đã hoàn thành. Với diện tích 1,28 mảnh/hộ, nông dân đã có diện tích lớn, gần nơi ở, canh tác được 3 vụ lúa.
Tính đến thời điểm hiện tại, Khánh Trung đã đạt được 15 tiêu chí nông thôn mới. Một trong những tiêu chí khó thực hiện ở nhiều địa phương là tiêu chí môi trường thì Khánh Trung đã hoàn thành. Xã quy hoạch bãi chôn rác 3 ha nằm xa khu dân cư. Tổ xử lý rác của xã gồm 9 người với 2 xe vận chuyển rác. Với mức thu phí mỗi hộ là 3 nghìn đồng/tháng, tổ xử lý rác 1 tuần 2 lần thu gom rác đi xử lý tại bãi.
Được biết, Khánh Trung đã từng bước thực hiện các giải pháp để nâng cao thu nhập cho nhân dân bằng việc xây dựng quy hoạch 7 vùng sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích là 325 ha sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập trên 1 ha canh tác.
Cùng với mở rộng diện tích vụ đông trên 50% diện tích canh tác, bình quân giá trị trên 1 ha canh tác năm 2010 đạt 95 triệu đồng, đến năm 2014 đạt 125 triệu đồng, tăng 30 triệu đồng so với năm 2010.Theo điều tra, Khánh Trung có khoảng 2.000 nhân khẩu đi làm ở các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Còn 4 tiêu chí chưa đạt là chợ, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và trường học, Khánh Trung đang tranh thủ hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương gấp rút hoàn thiện, để cuối năm 2015 hoàn thành việc xây dựng NTM. Để có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã làm tờ trình, xin lập mặt bằng để đấu giá quyền sử dụng đất làm nhà ở khu tái định cư. Theo đó, 4 khu đất nằm trong quy hoạch sử dụng giai đoạn 2014-2020, dự kiến 186 lô (372.896m2) sẽ được đem ra đấu giá đợt này.
Cùng với nguồn ngân sách của nhà nước và nguồn huy động xã hội hóa, con em quê hương đóng góp, xã triển khai việc quy hoạch, tiến hành giải phóng mặt bằng xây dựng tường bao, xây dựng sân vận động trung tâm với quy mô 17 nghìn m2, dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Đối với tiêu chí chợ nông thôn, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã tiến hành cải tạo đình chợ, sân, cổng, hệ thống thoát nước khu chợ để các hộ kinh doanh thuê ki-ốt bán hàng, đảm bảo trật tự văn minh. Đồng thời đẩy nhanh thi công tuyến đường liên xã, mở rộng đường dong các thôn, xóm.
Khánh Trung có 3/4 trường học đã đạt chuẩn Quốc gia. Riêng Trường mầm non chưa đạt chuẩn đang được đôn đốc chỉ đạo xây mới ở 2 khu: Khu vực Kiến Thái đang thi công xây dựng 6 phòng học, công trình phụ trợ, kinh phí dự kiến khoảng 5 tỷ đồng; khu vực Quyết Trung xây dựng 4 phòng học, cổng, tường bao, mái chống nóng, bổ sung cơ sở vật chất..., dự kiến kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Cùng với đó, Ban chỉ đạo xây dựng NTM đang đôn đốc hoàn thành Nhà văn hóa xã, với mức đầu tư 5,8 tỷ đồng. Đây là công trình chào mừng đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020.
Phương Loan