Bà Vũ Thị Thanh Ngọt, ở thôn 19, xã Khánh Trung năm nay ngoài 60 tuổi. Mặc dù con cái đã trưởng thành song ông bà vẫn cấy 4 sào ruộng. Tiếng là làm nông nghiệp, nhưng từ vài năm nay, do tuổi đã cao, sức khỏe lại yếu nên bà chẳng ra đến đồng. Vì vậy, mọi việc từ làm ruộng, cày cấy, làm cỏ đến thu hoạch lúa… bà Ngọt đều phải thuê người làm. Bà Ngọt cho biết: Vào thời vụ, cũng là lúc những hộ không có lao động như gia đình tôi lo lắng tìm người làm thuê. Giá tiền thuê cấy, gặt cũng tăng dần theo từng năm và từng thời điểm. Trước đây, chỉ khoảng 150 nghìn đồng/công nhưng hiện nay thì tiền thuê mỗi công cấy dao động từ 200-250 nghìn đồng. Cũng xót ruột đấy, nhưng được việc là tốt rồi. Nhiều nhà sẵn sàng bỏ tiền thuê mà còn không tìm được người làm. Đó cũng là trường hợp của chị Nguyễn Thị Ca ở thôn 19. Chị Ca kể: Chồng tôi đi làm ăn xa. Tôi ở nhà làm ruộng, ngoài ra còn đi buôn bán gạo. Từ vài năm nay, việc đồng áng hầu như tôi phải khoán gọn cho thợ. Vào vụ, lại phải chạy đôn đáo đi tìm thợ rất vất vả, bị động.
Câu chuyện của bà Ngọt, chị Ca không phải là điển hình ở xã Khánh Trung. Đồng chí Phạm Ngọc Duân, Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết, hiện nay, xã Khánh Trung có 630 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Cũng như nhiều địa phương khác, Khánh Trung rất thiếu lao động làm nông nghiệp. Qua khảo sát, trong tổng số 80% hộ gia đình làm nông nghiệp, thì thực chất chỉ có 40% hộ gia đình có lao động làm nông nghiệp, còn lại là phải thuê người làm. Nhiều gia đình buộc phải cấy vì không có nhu cầu để cho thầu.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện, xã Khánh Trung có 4.926 người trong độ tuổi lao động. Trong đó, có tới trên 3000 lao động đang làm công nhân tại các doanh nghiệp. Số lao động ở độ tuổi từ 45-50 thì đi làm thuê để có thu nhập cao hơn trồng lúa. Bởi theo tính toán, khi làm nông nghiệp thì người nông dân phải tính đến những khoản trang trải cho hạt lúa như: tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động… chưa kể đến phải đối diện với "điệp khúc" được mùa mất giá, được giá mất mùa. Vì vậy, mà nhiều người dân không còn mặn mà với đồng ruộng. Thậm chí có gia đình cho thầu, cho mượn hoặc bán hẳn ruộng cho người khác sản xuất để làm những nghề tuy gọi là phụ nhưng lại có mức thu nhập cao hơn nghề chính là làm ruộng.
Mặc dù khan hiếm lao động nông nghiệp, song với phương châm quyết không để ruộng đất hoang hóa, những năm qua, xã đã có nhiều sự quan tâm thiết thực cho sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, xã đã đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng thuận lợi, phục vụ cho việc tưới tiêu, đảm bảo sản xuất. Hàng năm, Đảng ủy quan tâm củng cố Ban chỉ đạo sản xuất và xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế gắn với các mục tiêu cụ thể. Trong đó, một số nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết về sản xuất vụ mùa, vụ đông; Nghị quyết về việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng…Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ cho nông dân, đặc biệt là những hộ có hoàn cảnh khó khăn đầu tư sản xuất, Đảng bộ xã đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho bà con nông dân như: Hàng năm mua phân bón trả chậm cho các hộ nông dân khó khăn để đầu tư sản xuất; phối hợp với HTX nông nghiệp và các đoàn thể tổ chức các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; các nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân cũng đã được Đảng bộ xã triển khai một cách minh bạch đến bà con nhân dân…
Đặc biệt, Xã Khánh Trung là một trong những đơn vị đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng sớm của huyện Yên Khánh. Toàn xã hiện có 41 máy làm đất; 17 máy gặt đập liên hợp. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp những năm qua đã đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Vụ mùa năm 2019, ngoài chính sách hỗ trợ mua máy móc trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh, xã đã đầu tư kinh phí mua 1 máy cấy để phục vụ nhân dân và có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các hộ dân đăng ký cấy bằng máy. Gia đình anh Trần Văn Huấn là một trong những hộ đầu tiên đăng ký sử dụng "dịch vụ" máy cấy này. Anh Huấn cho biết, từ năm 2017 trở về trước, vụ nào gia đình anh cũng gieo cấy trên 1 mẫu lúa vụ mùa, nhưng năm 2018 gia đình anh phải cho thuê lại 4 sào bởi vợ và các con đi làm tại công ty ở các xã lân cận, không có người làm. Vào thời điểm gieo cấy phải đi thuê, trả công cao mà cũng khó thuê được. Vụ mùa năm nay HTX Nông nghiệp Quyết Trung đưa máy cấy vào phục vụ nhân dân, gia đình anh đã đăng ký ngay. Anh Huấn chia sẻ: Có máy cấy rồi là gần như hoàn chỉnh được hệ thống cơ giới hóa trong cả quá trình sản xuất nông nghiệp. Theo đó, từ khâu làm đất, cấy rồi đến gặt… đều có máy móc hỗ trợ cả. Với việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không những tiết giảm được sức lao động của người nông dân mà còn mở ra cơ hội cho bà con chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng cho năng suất, hiệu quả cao hơn.
Đồng chí Phạm Ngọc Duân, Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết thêm, trước đây, bà con Khánh Trung sử dụng phương pháp gieo sạ nhằm khắc phục tình trạng không có lao động. Tuy nhiên, gieo sạ lại ảnh hưởng không tốt tới môi trường do sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, với việc đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp được coi là giải pháp khá toàn diện, tạo tiền đề quan trọng cho địa phương xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện nay, xã có 5 hộ đang thử nghiệm trồng lúa huyết rồng, đánh giá cho thấy, loại lúa này cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn hẳn lúa thường. Trong vụ mùa này, xã sẽ mở rộng diện tích trồng lúa huyết rồng lên 10ha và 253 ha trồng lúa nếp.
Nguyễn Hùng