Gắn kết cộng đồng từ văn hóa truyền thống Khánh Tiên nổi danh trong toàn tỉnh với phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi, đặc biệt nơi đây đang lưu truyền và phát huy môn múa trống - môn nghệ thuật được những người con quê hương sáng tạo từ tín ngưỡng thờ thành hoàng làng của người dân Bắc bộ. Tiếng trống và điệu múa mềm dẻo hòa quyện với nhau nhuần nhuyễn, vang vọng hơn trong những ngày vui của xóm làng, quê hương, ngày lễ, Tết, cũng là biểu thị sự gắn kết tình làng, nghĩa xóm của người dân mảnh đất thuần nông đã gần 1 thế kỷ nay.
Bác Nguyễn Văn Sơn, người duy nhất đang lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ hậu duệ của xã về nghệ thuật múa trống cho biết: Nghệ thuật múa trống nơi đây xuất phát từ tục sử dụng trống ngũ lôi rước các thần về Tổng Bồng Hải để tế từ thời Pháp thuộc của nhân dân các xã Khánh Tiên, Khánh Thiện, Khánh Trung, Khánh Thành, Khánh Công.
Từ sự biểu thị đa ngôn ngữ trong các điệu trống ngũ lôi ấy, khoảng những năm 1954, cụ Phan Ngọc Sinh là người con xã Khánh Tiên đã sáng tạo thành nghệ thuật múa trống biểu diễn trên sân khấu (múa chân tay khỏe khoắn như múa võ theo nhịp thể hiện sự vui vẻ, phấn khởi) nhằm phục vụ đời sống văn hóa, văn nghệ của nhân dân. Đã hơn 60 năm qua, điệu múa trống ấy vẫn vang lên tại vùng quê Khánh Tiên, mừng ngày lễ, Tết, mừng ngày hội làng, ngày vui được mùa, giao lưu văn hóa văn nghệ với các địa phương khác…
Cùng với lưu giữ và phát triển mạnh mẽ nghệ thuật múa trống, người dân Khánh Tiên đặc biệt quan tâm lưu giữ nghệ thuật hát chèo. Hiện xã có 4/10 xóm có câu lạc bộ chèo. Các thành viên trong câu lạc bộ hàng ngày say sưa cùng những làn điệu chèo ca ngợi Đảng, ca ngợi sự đổi thay của quê hương trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Với mỗi người dân, hát chèo như thói quen sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong dịp lễ hội,
Tết đến Xuân về. Nhiều người dân xã Khánh Tiên cho rằng ngày ra đồng, tối về ngâm nga khúc chèo, thổi sáo, kéo nhị là bao nhiêu mệt mỏi, muộn phiền xua tan hết. Họ đến với chèo bằng niềm say mê và tâm hồn nghệ thuật đáng trân trọng. Từ kinh nghiệm bao năm gắn bó với nghề và ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống, các thành viên trong CLB cũng ý thức việc truyền dạy cho nhiều người tại thôn, xóm là cầu nối tạo sự đoàn kết trong dân cư. Do đó, nhiều năm các thôn, xóm duy trì ổn định danh hiệu văn hóa, có 8/10 thôn đạt làng văn hóa cấp huyện, số hộ gia đình văn hóa tăng, đạt 89%.
Đổi thay toàn diện
Mặc dù là xã thuần nông, nguồn thu nhập chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhưng phát huy tinh thần yêu nước và với truyền thống của quê hương, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã không ngừng vươn lên trong mọi lĩnh vực, người dân tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thi đua thực hiện các phong trào địa phương. Khánh Tiên hôm nay đã có sự đổi thay toàn diện.
Đồng chí Phạm Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Tiên cho biết: với trên 90% dân số xã làm nông nghiệp, diện tích canh tác là 306,9 ha, trong đó diện tích trồng lúa 297 ha, diện tích trồng màu 9,8 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản 6,5 ha, xã xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, do đó, những năm qua Đảng ủy, UBND xã tập trung vận động nhân dân tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương.
Đồng thời vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ KHKT, máy móc vào sản xuất, chăn nuôi đem lại giá trị kinh tế cao. Để giúp nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp, xã tích cực triển khai công tác dồn điền, đổi thửa, tạo thành những vùng sản xuất lớn, tập trung cho các hộ dân thuận tiện trong sản xuất. Đến năm 2013, xã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, từ 6 - 7 ô thửa/hộ xuống còn 1,4 ô thửa/hộ. Hàng năm có 75% diện tích trồng lúa chất lượng cao, có 85% diện tích gieo sạ; 100% thu hoạch bằng máy, làm đất tập trung bằng máy cỡ lớn. Năng suất lúa bình quân đạt 110 tạ/ha/năm. Tổng giá trị sản xuất đạt 58.572 triệu đồng.
Các hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển rộng rãi từ xã đến các thôn, xóm. Quy mô phát triển sản xuất đang dần phát triển, hình thành những mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi vịt trời thuần dưỡng hàng chục nghìn con, mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, mô hình phát triển kinh tế theo hướng VAC, là tiền đề cho việc nhân rộng các mô hình trên địa bàn xã. Giá trị sản xuất/ha canh tác được nâng lên rõ rệt, năm 2010 là 65 triệu đồng /ha, đến năm 2015 đã đạt 100 triệu đồng/ha.
Cùng với phát triển kinh tế, trong những năm qua tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã ổn định, không có đơn thư vượt cấp đông người. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, chất lượng được nâng lên. Sự nghiệp giáo dục được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục của 3 ngành học được nâng lên. Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức theo quy định.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Diện mạo nông thôn mới của xã Khánh Tiên đang dần hiện hữu, đặc biệt là từ năm 2010 đến nay khi xã bắt tay xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu của người dân, như 85,92% các tuyến đường giao thông nông thôn và nội đồng được bê tông hóa. 5 năm qua, xã đã tiếp nhận hỗ trợ 800 tấn xi măng thực hiện làm mới 89 tuyến đường ngõ xóm với tổng chiều dài 9.474 m, cải tạo, nâng cấp 133 công trình thủy lợi; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 70%. Hiện xã đã đạt 12/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: Hồng Vân