Đồng chí Phạm Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Tiên cho biết: Với trên 90% dân số xã làm nông nghiệp, diện tích canh tác là 306,9 ha, trong đó diện tích cấy lúa 297 ha, diện tích trồng màu 9,8 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản 6,5 ha, xã xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế.
Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã tập trung vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa máy móc vào trồng trọt, chăn nuôi đem lại giá trị kinh tế cao. Để giúp nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp, xã đã đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, tạo thành những vùng sản xuất lớn, tạo điều kiện cho các hộ dân thuận tiện trong sản xuất và chuyển đổi sản xuất. Đến năm 2013, toàn xã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa rút từ 6 - 7 ô thửa/hộ xuống còn 1,4 ô thửa/hộ.
Hàng năm có 75% diện tích trồng cây chất lượng cao và 90% diện tích là gieo thẳng; 100% diện tích được làm đất bằng máy cỡ lớn và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, năng suất lúa bình quân đạt 110 tạ/ha/năm...
Sản xuất đang hình thành những mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi vịt trời thuần dưỡng hàng chục nghìn con; trồng cây thanh long ruột đỏ; phát triển kinh tế gia đình theo hướng VAC...
Ông Nguyễn Văn Liêm cho biết: Được hỗ trợ vốn để sản xuất từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi cùng 6 hộ khác đã bàn bạc và quyết định chuyển đổi 14 ha trồng lúa sang nuôi cá trắm đen; tuy khoản đầu tư ban đầu khá lớn, song thu nhập lại cao hơn rất nhiều. Năm 2016, doanh thu từ bán cá của gia đình đạt gần 500 triệu đồng, gấp 40 lần so với trồng lúa.
Thực hiện Quyết định 140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong vụ mùa 2016, Sở Nông nghiệp & PTNT đã hỗ trợ HTX nông nghiệp Tiền Phong triển khai mô hình cấy giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bệnh bạc lá với quy mô 3,5 ha và mô hình phân hủy rạ bằng chế phẩm vi sinh học tại HTX nông nghiệp Tiên Tiến quy mô 2 ha đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Cách đây 3 tháng, Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Khánh Tiên được thành lập với 10 thành viên, do ông Mai Văn Dự làm tổ trưởng và hiện đã là vệ tinh cho Trung tâm Giống thủy sản Ninh Bình trong việc ương, nuôi cá giống cung cấp cho thị trường. Nhờ chú trọng phát triển sản xuất, nên giá trị sản xuất/ trên 1ha canh tác được nâng lên. Nếu như năm 2010 là 65 triệu đồng/ha thì năm 2016 đã đạt trên 110 triệu đồng/ha.
Đến giữa năm 2017, tiêu chí thu nhập (tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới) của Khánh Tiên đã đạt 33 triệu đồng/người/năm, tăng 2,8 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) chỉ còn 1,95%.
Cùng với phát triển kinh tế, trong những năm qua tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã ổn định. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, chất lượng được nâng lên. Giáo dục được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục của 3 ngành học được nâng lên.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cũng cho biết thêm: Diện mạo nông thôn mới của xã Khánh Tiên đang dần thay đổi. Từ năm 2010 đến nay, nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu của người dân, như: Nhà văn hóa xã; các tuyến đường giao thông nông thôn và nội đồng...
Trong gần 6 năm qua, Khánh Tiên đã tiếp nhận sự hỗ trợ của tỉnh và huyện 1.030,3 tấn xi măng thực hiện làm mới, nâng cấp 53 tuyến đường giao thông ngõ xóm với tổng chiều dài 9,474 km; cải tạo, nâng cấp 133 công trình thủy lợi... Hiện xã đã đạt 16/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Xã cũng đang tiến hành chỉnh trang lại khu trung tâm xã, trụ sở, sân vận động, tường bao, kỳ đài... để về đích xã nông thôn mới vào cuối năm 2017.
Bài, ảnh: Đinh Chúc