Xuất phát từ thực tế đó, tranh thủ sự quan tâm của huyện, Khánh Thủy đã tích cực lập quy hoạch xây dựng các mô hình chuyển đổi một số diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với quy hoạch bảo vệ đất lúa và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương theo Nghị định 35 của Chính phủ. Xã xác định đây là nội dung quan trọng để tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị canh tác và phát triển bền vững.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi thời vụ, lựa chọn một số cây trồng thế mạnh để đầu tư sản xuất.
Một trong những cây trồng mới đem lại hiệu quả thu nhập cao cho người dân xã Khánh Thủy trong những năm trở lại đây phải kể đến là cây trạch tả, cây thuốc nam. Xã đã tổ chức cho các đoàn thể và đại diện nhân dân đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp có giá trị cao và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang mô hình phát triển kinh tế khác hiệu quả hơn. Phương châm của xã đề ra là "đảng viên đi trước, làng nước theo sau"...
Đến nay, Khánh Thủy đã quy hoạch được 3 khu phát triển sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng là khu đồng Ninh, đồng Trung và đồng Đông. Toàn xã đã chuyển đổi được 8,15 ha đất cấy lúa sang trồng cây có giá trị và sang nuôi trồng thủy sản.
Trên địa bàn xã đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như gia đình ông Công - xóm 2 thuộc Công ty TNHH Công Thiên Linh, chuyển đổi được tổng diện tích 9.800m2 để nuôi trồng thủy sản, nuôi cá trắm đen và trồng cây có giá trị kinh tế cao, mỗi năm thu nhập đạt từ 1,5 tỷ đồng - 1,8 tỷ đồng/năm, trừ chi phí gia đình ông thu về từ 500- 600 triệu đồng/năm.
Mô hình trang trại của gia đình ông Ước ở xóm 1, nuôi lợn siêu nạc kết hợp với trồng cây ăn quả nuôi thủy sản trên diện tích chuyển đổi 10.700m2, mỗi năm gia đình ông đạt lợi nhuận trên 5 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với lúa...
Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Khánh Thủy là một chủ trương đúng, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Kiều Ân