Hiện nay ở Khánh Thiện, nghề trồng cây cảnh và nghề làm bánh, bún chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị các ngành nghề trong xã. Phần lớn người dân coi đây là những nghề chính cho thu nhập cao, góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã. Bà Phạm Thị Thêu, xóm chợ Xanh cho biết: "Gia đình tôi làm bánh đa canh, bánh đa cua từ rất lâu rồi, đây là nghề truyền thống được các cụ để lại. Chỉ có 2 lao động nhưng mỗi ngày gia đình tôi sản xuất từ 20-30kg nguyên liệu bằng phương pháp thủ công tráng tay". Bánh của gia đình bà Thêu có tiếng là thơm, ngon, không có chất phụ gia nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hầu hết sản phẩm sản xuất ra đến đâu khách hàng đến tận nhà mua đến đó, nhiều khách hàng còn đặt với số lượng lớn để làm quà gửi đi tận Hà Nội và các tỉnh lân cận. Cũng có nhiều thời điểm, gia đình bà sản xuất đủ nhu cầu của khách. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày gia đình bà Thêu có thu nhập trên 200 nghìn đồng từ làm bánh. Đối với người dân ở khu vực nông thôn đây là khoản thu nhập khá và cao hơn rất nhiều so với trồng lúa.
Với nghề làm bánh, ở Khánh Thiện không chỉ nổi tiếng với nghề làm bánh đa mà còn có gần 20 loại bánh khác nhau như bánh giầy giò, bánh mật, bánh nếp, bánh khúc, bánh khoái… Chuyên làm bánh mật và bánh nếp, bà Phạm Thị Dung, xóm Cầu chia sẻ: Để có những loại bánh ngon không phải nơi nào cũng làm được, đòi hỏi người làm phải có tâm huyết, tỉ mỉ ở tất cả các công đoạn từ chọn nguyên liệu cho tới hấp bánh và cũng có một chút bí quyết nghề ở đó. Nghề làm bánh đã thực sự trở thành "cần câu cơm" của nhiều người dân nơi đây. Mỗi ngày gia đình bà Dung làm trên 200 chiếc bánh, có ngày lên tới 600 chiếc do khách đặt và cho thu nhập từ 150 nghìn đồng trở lên.
Cùng với sự phát triển mạnh của nghề làm bún, bánh thì nghề trồng cây cảnh cũng trở thành một nghề truyền thống cho thu nhập cao, có thời điểm còn rất cao ở xã Khánh Thiện. Bác Phạm Ngọc Quyển, xóm 1 cho biết: Nghề trồng cây cảnh không chỉ là niềm đam mê, một thú chơi tao nhã mà còn mang lại thu nhập khá cho gia đình bác. Hiện nay khu vườn của bác Quyển có trên 200 chậu cây cảnh với nhiều chủng loại khác nhau, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa và chăn nuôi.
Ông Phạm Thế Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện cho biết: Khánh Thiện là một trong những xã có quỹ đất sản xuất nông nghiệp ít nhất của huyện Yên Khánh, bình quân mỗi khẩu chỉ có từ 0,5-1 sào ruộng. Do đó, để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Khánh Thiện tập trung vào việc phát triển ngành nghề. Đặc biệt nghề trồng cây cảnh và nghề làm bánh, bún có doanh thu đạt trên 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ toàn xã. Hiện nay, nghề trồng cây cảnh đã thu hút gần 300 hộ trong xã tham gia, hộ ít cũng vài chục cây, hộ nhiều lên đến gần 3 nghìn cây. Thu nhập từ trồng cây cảnh mang lại cho mỗi hộ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng một năm. Hầu hết các hộ làm nghề trồng cây cảnh ở xã Khánh Thiện đều là hộ giàu và hộ khá giả. Với nghề làm bún bánh, toàn xã có trên 40 hộ làm nghề có thu nhập đạt vài chục triệu đồng/năm. Nhờ đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống, xã Khánh Thiện đã đẩy nhanh tiến độ và sớm cán đích Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để tạo điều kiện duy trì và phát triển làng nghề, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương, duy trì, đáp ứng tiêu chí số 10 về xây dựng nông thôn mới, xã Khánh Thiện đã đề nghị và được tỉnh công nhận làng nghề ẩm thực Phong An và làng nghề trồng cây cảnh xóm 1 là làng nghề truyền thống cấp tỉnh.
Ngoài phát triển hai làng nghề truyền thống, xã Khánh Thiện còn có 6 doanh nghiệp nằm trên địa bàn, có 30 tổ hợp làm nghề cơ khí, nghề mộc, mây tre đan, vận tải, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng…, có 18 gia trại. Với mục tiêu phát triển kinh tế là trọng tâm, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã có nhiều sáng kiến để thu hút, tạo nhiều việc làm cho nhân dân; các hộ gia đình tại các làng nghề được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, tham gia các lớp dạy nghề, các hội nghị chuyển giao khoa học kỹ thuật... Từ đó các doanh nghiệp, tổ hợp tác, các hộ gia đình đã mở rộng sản xuất, thuê thêm lao động, nâng cao thu nhập. Tính đến hết năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của xã Khánh Thiện ước đạt 28,5 triệu đồng/năm, tăng cao hơn so với năm 2013 là 800 nghìn đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo từ 2,99% năm 2013 đã giảm xuống 2,45% năm 2014. Bên cạnh đó, xã còn duy trì, nâng cao chất lượng tất cả các tiêu chí như: Hệ thống chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Xác định xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt và có tính chiến lược, lâu dài. Do vậy, việc về đích nông thôn mới năm 2013 là động lực lớn để Đảng bộ và nhân dân xã Khánh Thiện quyết tâm hơn nữa trong việc duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng của các tiêu chí, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2020
Bài, ảnh: Hồng Giang