Chợ Xanh Khánh Thiện mỗi buổi sáng, người dân và du khách luôn hấp dẫn bởi các gian hàng ẩm thực ở giữa và cuối chợ với các loại bánh ăn sáng, bánh ăn vặt được làm ra từ hạt gạo của nghề nông như bánh đa, bánh đúc, bánh khúc, bánh rán, bánh nếp, bánh chưng, bánh khoái, bánh mật... Mỗi loại bánh được bán ở đây hầu như được truyền nghề qua các thế hệ của người con quê hương Khánh Thiện.
Cô Phạm Thị Mạnh, xóm Tây Phú cho biết: Tôi được bố mẹ truyền lại nghề làm bánh nếp, bánh mật đã hơn 30 năm nay, tôi luôn cố gắng làm ra những chiếc bánh ngon, thơm mùi gạo nếp, mùi đậu để người thưởng thức bánh cảm nhận được hương vị những chiếc bánh truyền thống của quê nhà. Không những thế, bánh của tôi luôn được làm với công đoạn đảm bảo an toàn an toàn thực phẩm, nói không với chất hóa học. Vì thế, nhiều năm nay, bánh của gia đình tôi bán rất tốt, mỗi ngày làm 30kg gạo, được vài trăm bánh bán buôn và bán lẻ cho các xã, huyện lân cận. Thu nhập từ làm bánh mỗi ngày từ 200 nghìn đồng trở lên.
Một trong những sản phẩm đặc trưng ở Khánh Thiện là bánh đa vừng, của làng nghề ẩm thực Phong An. Bác Nguyễn Văn Goòng, xóm Phong An là người tiếp tục giữ nghề truyền thống của làng hơn 40 năm nay, cho biết: Nghề làm bánh đa vừng của gia đình có từ 100 năm trước, từ thời ông ngoại tôi thế kỷ XX, rồi mẹ tôi làm nghề những năm 1930, đến năm 1980 sau khi phục viên trong quân ngũ tôi trở về được mẹ truyền nghề và duy trì đến nay.
Nghề làm bánh đa vừng rất vất vả, cần nhiều thời gian và phụ thuộc vào thời tiết. Nguyên liệu làm bánh đa gồm gạo tẻ không dẻo, vừng và muối. Bánh đa được làm thành 2 loại, bánh đa trắng và bánh đa gấc. Gạo được ngâm khoảng 2h, ngâm xong vo thật sạch, rồi đưa vào xay bột, nếu là làm bánh đa gấc thì trộn gấc vào gạo trước khi xay thành bột, xay xong phải tráng luôn nếu để lâu bột sẽ chua, chất lượng bánh sẽ không ngon. Đối với bánh đa vừng phải tráng 2 lượt, khi tráng bánh xong đến đâu phải được phơi khô ngay đến đấy.
Mỗi ngày gia đình tráng khoảng 200 chiếc bánh để phục vụ các buổi chợ hằng ngày, mỗi người tráng bánh thu nhập 200 nghìn đồng/ngày, với thời gian làm việc từ 4 giờ sáng đến 11h30 trưa tráng xong và phơi bánh tận chiều. Vì thế, nói đến nghề làm bánh đa ở làng Phong An lúc thịnh hành có khoảng 30 gia đình làm nghề, hiện nay người làm nghề không còn đông như trước. ở làng có 7 gia đình thường xuyên làm nghề bánh đa vừng, giải quyết việc làm cho khoảng trên 20 lao động với thu nhập bình quân 4 -6 triệu đồng/người/tháng.
Đồng chí Phạm Minh Xanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã tập trung phát triển kinh tế cho nhân dân. Đặc biệt xã Khánh Thiện từ năm 2014 có 2 làng nghề cây cảnh xóm 1 và làng nghề ẩm thực Phong An được tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của làng nghề, tạo sự phấn khởi và động viên các hộ dân tích cực tham gia làm nghề.
Trong đó, với nghề ẩm thực Phong An hiện vẫn duy trì 41 hộ làm nghề với trên 70 lao động. Làng nghề ẩm thực phát triển khoảng 100 năm nay, nổi tiếng không chỉ với nghề làm bánh đa vừng mà làng ẩm thực Phong An còn có 17 loại bánh khác nhau như bánh mật, bánh nếp, bánh khúc, bánh khoái, bánh rán, bánh đúc, bún… Đây là những loại bánh được làm ra từ sản phẩm nông nghiệp của địa phương và được những hộ làm bánh thực hiện đảm bảo theo quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Sản phẩm từ làng nghề luôn được tiêu thụ hết trong ngày.
Thu nhập từ nghề truyền thống khá ổn định, mang lại cho mỗi hộ gia đình thu nhập 42 triệu đồng/năm. Làng nghề truyền thống ẩm thực phát triển đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động địa phương, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thương mại, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Để làng nghề truyền thống ở địa phương được duy trì và phát triển bền vững, Đảng ủy, UBND xã Khánh Thiện tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân phát triển nghề, mở rộng nhiều mặt hàng hơn nữa, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh môi trường làng nghề; mở các lớp tập huấn đảm bảo an toàn thực phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ làm nghề. Đồng thời, địa phương xây dựng đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng nhằm góp phần quảng bá hình ảnh làng nghề với du khách, đẩy mạnh phát triển du lịch địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân làng nghề.
Bài, ảnh: Tiến Minh