Những bước đi đầu tiên trong nền nông nghiệp sạch
Được chọn là 1 trong 2 xã của tỉnh đi trước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Khánh Thành được Sở Nông nghiệp & PTNT cử 3 cán bộ kỹ thuật ở 3 lĩnh vực chuyên môn là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản xuống "nằm vùng" nhằm giúp đỡ, hướng dẫn người dân trong xã cách chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, đảm bảo hiệu quả kinh tế cũng như độ an toàn của tất cả các nông sản làm ra.
Song song với động thái hỗ trợ này của Sở NN&PTNT, Chính quyền xã cũng vận động 100% các hộ dân ký cam kết sản xuất sản phẩm an toàn. Nhận thức của người dân về quyền lợi và trách nhiệm của người sản xuất, sự cần thiết phải sản xuất nông sản sạch được nâng lên thông qua các buổi tuyên truyền, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Hiện nay Khánh Thành đã hình thành được 3 vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap với quy mô diện tích 130 ha tại HTX nông nghiệp Đại Thành và Đồng Xuân Tiến, sử dụng các giống lúa chất lượng cao LT2, Bắc Thơm số 7. Toàn bộ sản phẩm được Công ty CP Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Lúa sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn, chi phí sản xuất giảm mà năng suất tăng, giá thu mua của Công ty cũng cao hơn giá thị trường.
Với mục tiêu phát triển trồng trọt bền vững theo hướng an toàn, mỗi sản phẩm đến tay người tiêu dùng đều là sản phẩm sạch, năm 2016 có 30 hộ nông dân tại Khánh Thành đã mạnh dạn xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP và thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Phạm Văn Thẫn cho biết, trước đây, nhiều hộ dân tại địa phương đã thành lập Tổ sản xuất rau, củ, quả xóm 13 có truyền thống sản xuất rau an toàn tuy nhiên hoạt động còn manh mún, chưa đa dạng các loại cây, rau nên đầu ra không ổn định.
Vì vậy, HTX được thành lập để các thành viên tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua việc tổ chức lại quy mô sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, cung cấp các sản phẩm dịch vụ đầu vào giá rẻ, các sản phẩm đầu ra lớn, đảm bảo chất lượng, an toàn, có địa chỉ tin cậy.
Việc sản xuất được Ban quản lý HTX quản lý chặt chẽ, các thành viên khi tham gia đều phải kí cam kết sản xuất rau sạch theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu đất trồng, nước tưới, phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, đến khâu sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ, đảm bảo sản phẩm khi cung cấp ra thị trường là rau sạch, rau an toàn.
Đồng thời, HTX có sự điều phối giữa các thành viên để đa dạng nhiều loại sản phẩm khác nhau tránh trường hợp bị thương lái ép giá và đáp ứng tốt nhu cầu khác nhau của khách hàng. Hiện chúng tôi có khoảng 16 loại rau, củ, quả được sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap, cho thu nhập gấp từ 7-10 lần trồng lúa. Có sản phẩm tốt, làm ra đến đâu, tiêu thụ hết ngay đến đấy. Nhờ hoạt động hiệu quả, đến nay diện tích rau an toàn của HTX đã mở rộng gần gấp đôi, từ 15 ha ban đầu lên 25 ha, với số thành viên là 45 hộ, tăng 15 hộ so với ban đầu.
Chủ động áp dụng cái mới
Là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Khánh, từ lâu người nông dân Khánh Thành đã hình thành tư duy sản xuất hàng hóa theo hướng thị trường, họ luôn chủ động sẵn sàng trong việc áp dụng những cách làm mới, những kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất. Vì vậy, các buổi tập huấn, chuyển giao công nghệ luôn nhận được sự quan tâm tham gia của đông đảo bà con nông dân.
Với họ, tham dự các buổi tập huấn không phải là theo phong trào mà chính là học cách làm giàu. Từ chuyển biến nhận thức của nông dân, xã đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi 50ha đất trồng lúa sang trồng cây nông sản có giá trị kinh tế cao. Hiện nhiều nơi, tiêu biểu như xóm 7, xóm 9, xóm 13 đã chuyển đổi thành công hình thành các vùng chuyên canh ổi, chanh đào… cho thu nhập cao.
Bao năm chỉ biết canh tác cây lúa nước, nhưng hơn 1 năm qua, anh Hoàng Văn Đợi, xóm 9, xã Khánh Thành đã mạnh dạn chuyển đổi 7 sào ruộng của gia đình sang trồng ổi kết hợp với nuôi cá. Anh Đợi chia sẻ: Khi xã đưa một số mô hình cây trồng mới vào, lúc đầu bà con chúng tôi cũng e dè, băn khoăn lắm bởi trước nay chỉ biết có cây lúa, giờ chuyển sang cây chanh, cây ổi không biết phải trồng làm sao, chăm sóc thế nào, hiệu quả đến đâu.
Nhưng sau một năm thực hiện, được các cán bộ kỹ thuật cầm tay chỉ việc, mọi kỹ thuật đều đã nằm lòng và quan trọng hơn giá trị kinh tế của các cây trồng, con nuôi mới này đã và đang được khẳng định. Cụ thể như hiện nay, 100 gốc ổi của tôi ngay từ vụ quả bói đầu tiên đã cho hơn 6 tạ quả với giá bán rẻ nhất là 15 nghìn đồng/kg, thu nhập đã ngót 9 triệu đồng.
Không chỉ thực hiện chuyển đổi cây trồng, việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất cũng đang là hướng đi đầy triển vọng của nông dân Khánh Thành. Đước sự giúp đỡ của Ngành nông nghiệp đến nay xã đã xây dựng được 3 khu nhà lưới với tổng diện tích 2000 mét vuông để sản xuất rau sạch.
Những người nông dân ở đây cho biết: canh tác trong nhà lưới họ sẽ giảm bớt nỗi lo về sâu bệnh hại, những ảnh hưởng do thời tiết thất thường lên cây trồng cũng được giảm thiểu. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những thử nghiệm ban đầu và họ đang cùng các nhà khoa học tìm cách khắc phục những bất cập của nhà lưới trong điều kiện khí hậu mùa hè ở miền Bắc hoàn thiện các quy trình sản xuất để nhân ra diện rộng.
Có thể thấy việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tại Khánh Thành thành công bởi chính sự năng động, ý thức dám nghĩ, dám làm, dám tiếp cận cái mới của người nông dân. Tuy nhiên sự quyết liệt vào cuộc của lãnh đạo xã với quyết tâm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân trên đồng đất quê hương cũng là một trong những yếu tố quan trọng.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Khánh Thành Phạm Văn Bách, cơ chế chính sách về chuyển đổi, tích tụ ruộng đất... lãnh đạo xã vẫn làm theo kiểu "làm mò".
Do vậy thời gian tới, trên cơ sở các diện tích đã chuyển đổi, UBND huyện và Phòng Tài nguyên và môi trường cần tạo điều kiện giúp đỡ xã sớm hoàn thành các thủ tục về chuyển đổi đất và chuyển đổi cây trồng để nhân dân yên tâm thực hiện.
Đồng thời, khi đã sản xuất được sản phẩm tốt, cùng với việc người dân tự tìm đầu ra như hiện nay, chúng tôi cũng rất cần được giúp đỡ tạo điều kiện quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường để tìm hướng tiêu thụ sản phẩm bền vững.
Hà Phương