Ông Phạm Văn Bách, Chủ tịch UBND xã cho biết: Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn đã thay đổi hẳn nhờ việc phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng mà nổi bật nhất là việc hiến đất, hiến công, hiến của của nhân dân để làm đường giao thông thôn, xóm.
Toàn xã đã có 23.866 m2 đất được hiến để mở rộng đường giao thông; 100% các tuyến đường giao thông thôn, xóm, liên xóm được bê tông hóa với chiều dài 40,3 km; hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu dân sinh; 100% số dân được sử dụng điện và nước hợp vệ sinh; trường học, chợ, trạm y tế, nhà văn hóa, sân vận động được đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa.
Về phát triển kinh tế, Khánh Thành đã có bước phát triển khá toàn diện: Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng cấy lúa thuần, chất lượng cao, phát triển vụ đông trên đất 2 lúa đạt 80%; thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang lại đồng ruộng, hiện bình quân còn 1,1 thửa/hộ, đó là cơ sở để xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có giá trị cao.
Xã quan tâm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất thông qua hoạt động dịch vụ, thành lập 3 tổ hợp tác sản xuất, trong đó có tổ hợp tác xóm 13 đạt hiệu quả kinh tế cao; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thông qua việc tạo điều kiện cho các tư nhân hình thành các doanh nghiệp dạng nhỏ và vừa, chủ yếu ở ngành may mặc nhằm giải quyết vấn đề việc làm trong nông thôn và tăng thu nhập cho người dân.
Toàn xã có 16 câu lạc bộ bóng chuyền nam, nữ; 3 câu lạc bộ chèo; 1 câu lạc bộ thơ; 8 câu lạc bộ dưỡng sinh với 13 làng văn hóa và 85% gia đình văn hóa được công nhận.
Hệ thống chính trị được củng cố, năng lực trình độ cán bộ ngày càng được nâng cao; trật tự an ninh nông thôn được đảm bảo... Tổng nguồn vốn đầu tư vào XDNTM tới 559,7 tỷ đồng..
Ông Chủ tịch UBND xã cho rằng: Được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ là kết quả ban đầu; bởi lẽ tại thời điểm đó năm 2013 vẫn có những tiêu chí còn dở dang, chưa hoàn chỉnh ở một số công đoạn; hơn nữa XDNTM là chương trình lâu dài mà mục tiêu chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn cả về vật chất lẫn tinh thần...nên công cuộc này vẫn được xã duy trì, phát triển nhằm hoàn thiện, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia.
Với tinh thần như vậy, nên trong 2 năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành mà trên địa bàn xã đã được đầu tư 13,2 tỷ đồng vào xây dựng trường học các cấp; 38 tỷ đồng xây dựng đường giao thông từ Chợ đến cống Tiên Hoàng (dự án đường Bái Đính-Kim Sơn).
Các thôn, xóm, HTX NN tổ chức cắm mốc giới, tổ chức nâng cấp, quản lý các tuyến đường giao thông nội đồng. Xây dựng 2 khu nghĩa trang nhân dân, thực hiện tốt quy chế quản trang, củng cố đội thu gom rác thải; xây nhà thi đấu đa năng từ nguồn vốn xã hội hóa; Các tuyến đường giao thông được hoàn thiện phần lề đường và trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường...
Tổng giá trị đầu tư trong 2 năm khoảng 62 tỷ đồng, trong đó nhà nước đầu tư 48,5 tỷ đồng, ngân sách xã 9,7 tỷ đồng, nhân dân đóng góp theo quy chế dân chủ 3,8 tỷ đồng.
Xác định củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí về kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chương trình XDNTM nên trong sản xuất nông nghiệp xã tập trung duy trì diện tích lúa thuần, lúa chất lượng cao và vụ đông trên đất 2 lúa.
Tổ chức thêm 5 tổ hợp tác với 50 ha theo mô hình đa canh, hiệu quả kinh tế cao gấp 5-7 lần so với trồng lúa với các sản phẩm như: Mướp Nhật, mướp đắng, ớt, cà chua, rau rút, cá, ốc...Chăn nuôi tiếp tục phát triển, đàn trâu bò, lợn, gia cầm sinh sản và thương phẩm với số lượng tăng so với cùng kỳ năm 2013.
Các doanh nghiệp may mặc mở rộng, tăng thêm xưởng sản xuất (hiện đã có 5 xưởng) tạo việc làm cho 650 lao động với thu nhập ổn định từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, xã đã và đang gắn kết chặt chẽ Chương trình XDNTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại xóm 4, xóm 5, xóm 16, xóm 17, xóm 18, xóm 19 trong diện tích 150 ha. Tổ chức sản xuất lúa theo Chương trình SRI tại xóm 11, xóm 9 của HTXNN Đồng Xuân Tiến với diện tích 40 ha.
Thực hiện đề tài khoa học của Bộ Khoa học - Công nghệ và Sở Nông nghiệp & PTNT tại xóm 15 trên diện tích 10 ha. Phong trào chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng và canh tác các loại cây, con có giá trị cao diễn ra mạnh mẽ ở xóm 13; xóm 7 vùng trồng chanh đào, diện tích 15 ha; xóm 9 vùng chuyên trồng ổi...
Hiện tại đã có hàng trăm hộ gia đình đăng ký với xã xin chuyển đất trồng lúa sang canh tác các loại cây, con có giá trị kinh tế cao với tổng diện tích lên tới 70 ha.
Mới đây xã cũng đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT và Sở Nông nghiệp & PTNT hỗ trợ xây dựng 2 nhà lưới với tổng diện tích 1.000 m2 tại xóm 13 và HTX Đại Thành nhằm sản xuất rau sạch theo cơ chế: 70% vốn nhà nước hỗ trợ, 30% người dân tham gia đóng góp.
Bài học từ Khánh Thành là: Coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò chủ thể của người dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nông thôn với phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ. Tập trung chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát có trọng tâm, trọng điểm; chủ động, linh hoạt trong mọi công việc; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để lựa chọn những công việc phù hợp với điều kiện và khả năng của nhân dân để làm trước. Lồng ghép có hiệu quả các chương trình dự án trên địa bàn, đa dạng hóa các nguồn lực vào XDNTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn.
Đinh Chúc