Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Năm 2012 Khánh Nhạc là đơn vị đầu tiên trong tỉnh thực hiện thành công việc dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Xã đã vận động nhân dân hiến 31.000 m2 đất phục vụ cho việc xây dựng giao thông thủy lợi nội đồng, quy hoạch lại toàn bộ hệ thống giao thông, thủy lợi với tổng khối lượng đào đắp 127.000 m3 và 137 tuyến đường sản xuất. Tổng kinh phí đầu tư cho công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng là trên 5 tỷ đồng, giảm số thửa/ hộ từ 3,88 xuống còn 1,3 thửa/ hộ.
Việc Khánh Nhạc tổ chức thực hiện thành công dồn điền, đổi thửa chỉnh trang đồng ruộng được các cấp chính quyền đánh giá cao và nhân rộng ra toàn huyện, toàn tỉnh. Đề án dồn điền, đổi thửa kết hợp chỉnh trang đồng ruộng đã được Sở Khoa học và Công nghệ công nhận sáng kiến cấp tỉnh.
Thành công của việc dồn điền, đổi thửa kết hợp với chỉnh trang đồng ruộng đã tạo điều kiện để Khánh Nhạc triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Đến nay toàn xã đã chuyển đổi 100% diện tích từ cấy truyền thống sang gieo thẳng giúp giảm trên 70% chi phí công lao động, từ đó đã chuyển số lượng lớn lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Đồng thời khi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, chế biến gạo bằng công nghệ cao sẽ nâng phẩm cấp gạo, tăng giá bán lên 500 - 1.000 đồng/kg, chính những điều này đã nâng cao giá trị sản phẩm trong chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, hầu hết các khâu trong sản xuất lúa ở xã Khánh Nhạc đã được cơ giới hóa như làm đất, gieo hạt, vãi phân, phun thuốc trừ sâu, máy gặt, máy gom rơm, xây dựng lò sấy nông sản, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất nông nghiệp với diện tích lớn, đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa.
Đi đầu trong việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo tinh thần Nghị định 68 của Chính phủ phải kể đến HTX nông nghiệp Hợp Tiến, Khánh Nhạc. Ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Hợp Tiến cho biết: Ngay từ năm 2012, khi xuất hiện tình trạng người nông dân bỏ ruộng, Ban quản trị HTX đã mạnh dạn quy tụ những ruộng bỏ không dồn vào một khu để thuê lại và xây dựng mô hình sản xuất lớn. Tuy nhiên thời điểm đó HTX chỉ dám thuê khoảng hơn 30 mẫu.
Với kinh nghiệm và sự mạnh dạn của Ban quản trị HTX vụ đầu tiên áp dụng sản xuất lớn đã mang lại hiệu quả năng suất cao. Việc áp dụng các khâu điều tiết nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh được triển khai đồng bộ đã manh nha tạo nên một vùng sản xuất với quy mô lớn hơn.
Khi tỉnh có chủ trương dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xã Khánh Nhạc tiếp tục rà soát, nắm bắt nguyện vọng của người dân thấy rằng nhiều hộ hiện nay không có đủ lao động làm nông nghiệp nên muốn cho thuê. Xã đã giao cho HTX nông nghiệp Hợp Tiến xây dựng đề án dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất được 70 ha.
Toàn bộ diện tích này được dồn vào một khu tập trung để cho người dân có nhu cầu thuê lại bằng với giá HTX thuê của các hộ nhỏ lẻ. Về cách làm, để tạo sự đồng thuận của nhân dân khi dồn điền, đổi thửa, HTX chọn khu vực xa nhất và đất xấu nhất triển khai đề án, do đó quá trình tích tụ rất thuận lợi.
Với việc sản xuất tập trung theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn" HTX Hợp Tiến đã ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất từ 100% các khâu trong nông nghiệp như: làm đất, gieo hạt, vãi phân, phun thuốc, tất cả đều sử dụng bằng máy, do đó giảm tối đa công lao động cũng như chi phí vật tư. Ngoài ra, với 2 lò sấy nông sản công suất 20 tấn/mẻ, kho chứa 200 tấn, sản phẩm lúa gạo được phơi sấy trong nhiệt độ chuẩn, nâng cao phẩm cấp, hút hàng và giá bán cũng cao hơn.
Ngoài ra, Ban quản trị HTX Nông nghiệp Hợp Tiến đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất được ghi nhận và nhân rộng trên địa bàn tỉnh và huyện, mang lại hiệu quả kinh tế cao như máy hun khói diệt chuột, máy phun thuốc trừ sâu, thiết bị phụ trợ cho lò sấy...
Song song với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, HTX Hợp Tiến còn chủ động liên kết với các doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Sản phẩm của nông dân làm ra được các đại lý lúa gạo lớn ở Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội... thu mua 100% với giá thành cao so với thị trường.
Có thể nói, hiện nay, các HTX nông nghiệp của xã Khánh Nhạc luôn là đơn vị tham gia tích cực trong phong trào dồn điền, đổi thửa, xây dựng NTM, làm tốt các dịch vụ phục vụ sản xuất hỗ trợ các hộ thành viên phát triển kinh tế, chủ động đưa giống cây con mới vào sản xuất, chủ động điều tiết nước, hướng dẫn phun trừ sâu bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất lúa, trong sản xuất nấm xã Khánh Nhạc đã vận động, hỗ trợ bà con nông dân sử dụng máy gom rơm, máy băm rơm, nồi hơi để xử lý nguyên liệu đầu vào. Trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các hộ đã sử dụng máy băm cỏ, máy viên cám, hầm bioga để xử lý chất thải trong chăn nuôi, sử dụng các chế phẩm vi sinh nhằm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn...
Thực tế đã chứng minh, việc ứng dụng cơ giới, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã giúp cho nông nghiệp xã Khánh Nhạc trong 10 năm qua có bước chuyển biến rõ rệt, năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng gấp 5 đến 7 lần, giải phóng lao động nông nghiệp chuyển sang các ngành nghề khác, cho ra khối lượng sản phẩm lớn đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường. Theo báo cáo thống kê của xã Khánh Nhạc, tổng giá trị thu từ nông nghiệp năm 2009 đạt 55.549,69 triệu đồng, đến năm 2017 giá trị đạt 117.093 triệu đồng, nông nghiệp tăng trưởng bình quân 2,7%/năm.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, mục tiêu của xã Khánh Nhạc trong những năm tới là tiếp tục vận động nhân dân tập trung ruộng đất để sản xuất tập trung, áp dụng cơ giới, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thực hiện thành công mô hình xã điểm về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện an toàn thực phẩm, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Chuyển đổi một số diện tích đất 2 lúa hiệu quả thấp sang trồng cây rau màu, cây ăn quả kết hợp nuôi trồng thủy sản tại khu bến thuyền xóm 6, Khu Nhất, Nhì tư điền. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau sạch, nấm sạch Khánh Nhạc.
Để đạt được mục tiêu này, Khánh Nhạc sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn về tích tụ ruộng đất, tham mưu cơ chế hỗ trợ về tín dụng và chính sách phát triển nông nghiệp, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp, thành lập tổ hợp tác sản xuất lúa hàng hóa, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản giúp nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Nguyễn Thơm