Với thửa ruộng lớn, nông dân sử dụng máy để gieo sạ, phun thuốc, vãi phân từ đó giúp giảm chi phí tới 70-80%. Đồng thời khi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, chế biến gạo bằng công nghệ cao sẽ nâng phẩm cấp gạo, tăng giá bán lên 500 - 1.000 đồng/kg nữa, chính những điều này tạo ra lợi nhuận cho bà con. Đó là phép tính của ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc khi nói về khả năng sinh lời của việc ứng dụng máy móc, khoa học công nghệ vào sản xuất lúa. Được biết, sau dồn điền, đổi thửa năm 1993, với khoảng 600 ha canh tác lúa, màu nhưng toàn xã Khánh Nhạc vẫn còn tới 9.335 thửa khác nhau, bình quân 3,88 thửa/hộ. Đất đai manh mún đã gây khó cho việc ứng dụng công nghệ mới, cơ giới hóa nông nghiệp và tăng chi phí sản xuất.
Tuy vậy, những thửa ruộng này phân tán xen giữa diện tích của các hộ khác còn đang canh tác dẫn đến cho thuê cũng khó mà người muốn thuê cũng khó. Trước thực trạng này, cấp ủy, chính quyền xã Khánh Nhạc xác định phải dồn đổi bằng được những diện tích kiểu như thế nào vào một khu, trước tiên chọn HTX Hợp Tiến làm thí điểm.
Ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Hợp Tiến cho biết: Năm 2012, HTX đã hình thành ý tưởng, khi dồn điền, đổi thửa sẽ quy tụ hết diện tích thuê được vào một khu, xây dựng mô hình sản xuất lớn, lúc đó dồn được 11,6 ha.
Ngay từ những vụ đầu tiên sản xuất lúa đồng trà, cùng giống lúa chất lượng cao, áp dụng biện pháp thâm canh tiên tiến, việc điều tiết nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh được triển khai đồng bộ, diện tích này đã cho hiệu quả cao.
Đến năm 2017, qua rà soát, nắm bắt tình hình thấy rằng có thêm rất nhiều hộ có nguyện vọng cho thuê ruộng, HTX đã thống kê và xây dựng đề án để tiếp tục dồn đổi, kết quả đã sắp xếp lại được 70 ha đất canh tác vào một khu tập trung, trong đó có 40 ha HTX đứng ra ký hợp đồng thuê lại của nhân dân và cho các hộ có nhu cầu sản xuất thuê lại.
Về cách làm, để tạo sự đồng thuận của nhân dân khi dồn điền, đổi thửa, HTX chọn khu vực xa nhất và đất xấu nhất triển khai đề án, do đó quá trình tích tụ rất thuận lợi.
Với thửa ruộng lớn, HTX Hợp Tiến đầu tư đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ công đoạn làm đất, gieo hạt, vãi phân, phun thuốc tất cả đều sử dụng bằng máy, do đó giảm tối đa công lao động cũng như chi phí vật tư.
Ngoài ra, với 2 lò sấy nông sản công suất 20 tấn/mẻ, kho chứa 200 tấn, sản phẩm lúa gạo được phơi sấy trong nhiệt độ chuẩn, nâng cao phẩm cấp, hút hàng và giá bán cũng cao hơn.
Để nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa, HTX cũng đã đứng ra liên kết với các doanh nghiệp để gia công lúa giống, sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao (lúa đặc sản, giống lúa Nhật). Nhờ vậy doanh thu từ trồng lúa ước đạt 50 triệu đồng/ha/vụ, trừ chi phí có lãi 30 triệu đồng/ha/vụ.
Ông Vũ Văn Chỉ, xóm Trại, xã Khánh Nhạc chia sẻ: 2 năm qua, ông thuê lại 5 mẫu ruộng từ HTX để sản xuất lúa. Ban đầu ông cũng rất băn khoăn, bởi xưa nay cấy lúa đâu có lãi lời gì nhưng được HTX động viên nên cũng mạnh dạn làm thử.
Quả thật, cấy ít thì không lãi nhưng làm lớn thu nhập khá hơn hẳn, vụ nào thấp nhất cũng được 2-3 chục triệu đồng. "Nghĩ cũng phải thôi bởi cấy lúa kiểu manh mún trước đây, nguyên giai đoạn xuống giống đã mất 1 công lấy bùn làm mạ, rồi thuê cấy 200 nghìn đồng/sào tương đương với 5 triệu đồng/ha, nhưng nếu gieo xạ thì chỉ mất 2-3 trăm nghìn đồng/ha, khâu phun thuốc, nếu dùng máy chỉ cần 1 tiếng phun xong 1 ha, còn nếu thủ công thì phải cả ngày. Tiếp đến là khâu thu hoạch, nếu thửa ruộng lớn, chủ máy sẵn sàng gặt chỉ với giá 70 nghìn đồng/sào, nhưng nếu thửa nhỏ 100 nghìn đồng chưa chắc đã mời được máy về gặt cho.
Ngoài ra, vật tư nông nghiệp được HTX cung ứng nên tôi không phải lo về giá cả hay chất lượng. Khi tham gia làm tập trung, tôi được cán bộ kỹ thuật nông nghiệp tập huấn và chuyển giao các tiến bộ KHKT mà khi áp dụng tiến bộ này sẽ giảm khá nhiều chi phí đầu tư, giảm 20% giống gieo sạ, sử dụng các loại phân bón tiết kiệm, chống thất thoát, lượng bón giảm từ 30-40%, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giảm công chăm sóc... Và như vậy sẽ giảm chi phí đầu tư, đồng thời năng suất và chất lượng lúa vẫn không giảm mà còn tăng, chính những điều này đã tạo ra lợi nhuận cho bà con chúng tôi", ông Chỉ nói.
Ninh Bình có khoảng 77 nghìn ha cấy lúa mỗi năm và cây lúa vẫn là cây trồng chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều thời điểm lúa gạo không được giá, người trồng lúa bị lỗ, nhiều nông dân đã chuyển đổi cây trồng để mong tìm cơ hội mới nhưng tỉ lệ thành công chỉ ở mức độ nhất định. ở một số địa phương đang ngày càng có nhiều thửa ruộng, cánh đồng bị bỏ hoang.
Hậu quả của tình trạng nông dân bỏ ruộng dưới cái nhìn của chuyên gia thì không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đời sống xã hội mà còn khiến đất đai màu mỡ bị hoang hóa. Làm sao để nông dân trồng lúa có lãi, khắc phục được tình trạng bỏ ruộng? Cách làm sáng tạo, nhạy bén, đi đầu trong tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất của Khánh Nhạc là một phương án trả lời hay mà nông dân, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương nên nghiên cứu học tập.
Hà Phương