Ông Phạm Văn Vinh, xóm 2B, xã Khánh Nhạc cho biết, từ 2 vụ trước, ông đã thấy có lúa cỏ xuất hiện lác đác trong ruộng và đã nhổ bỏ. Vụ đông xuân này, ông không sử dụng lúa thịt để gieo nữa mà mua giống xác nhận về sạ nhưng không hiểu sao lúa cỏ vẫn mọc lên rất nhiều.
Thấy lúa cỏ phát triển nhanh, tác động và kìm hãm sự sinh trưởng và phát triển của lúa trồng, đầu vụ, ông đã bỏ ra hàng chục công để nhổ đi một lượt nhưng không hết. "Đến thời điểm này, tôi tính sẽ phải hủy bỏ toàn bộ diện tích 3 sào lúa của gia đình trước khi lúa trỗ bông để cắt đứt hoàn toàn nguồn lây lan hạt giống lúa cỏ sang vụ sau. Bao nhiêu công chăm bón, rồi tiền vật tư phân bón từ đầu vụ đến giờ mà phải bỏ đi, xót xa lắm nhưng vẫn phải làm vì để thì còn vất vả mãi", ông Vinh nói.
Ông Phạm Hồng Trưởng cùng địa chỉ trên cũng cho hay, hai năm trước, lúa cỏ chỉ xuất hiện rải rác, nhưng vụ đông xuân 2018-2019 này, mặc dù gia đình đã tập trung tiêu diệt khi cây còn nhỏ, nhưng tỷ lệ lúa cỏ trên đồng ruộng vẫn chiếm hơn 70%.
Theo UBND xã Khánh Nhạc, lúa cỏ xuất hiện lần đầu tiên trên một vài ruộng lúa của xã từ vụ đông xuân 2017-2018. Lúa cỏ có hình dạng cây tương đối giống cây lúa trồng nhưng khác biệt là mọc cao hơn; hạt có râu dài, chín đến đâu tự rụng đến đó; hạt lúa cỏ có sức sống cao, ngâm vài tháng dưới nước vẫn không bị thối và có thể trôi nổi theo dòng nước để phát tán.
Ruộng bị nhiễm lúa cỏ nặng gây lãng phí trong khâu chế biến để loại bỏ hạt lúa cỏ có màu sắc khác với hạt gạo bình thường và làm giảm phẩm chất gạo cũng như giảm giá trị tiêu dùng và xuất khẩu.
Trong quá trình chỉ đạo điều hành sản xuất, hàng vụ, hàng năm, UBND xã thường xuyên hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật như không sử dụng lúa giống tự để, thường xuyên thăm đồng để nhổ bỏ các cây lúa cỏ, tập trung vào 2 giai đoạn đẻ nhánh và trước trỗ.
Tuy nhiên, lúa cỏ vẫn không ngừng phát triển, sang vụ đông xuân 2018-2019 này, tỷ lệ lúa cỏ trên đồng ruộng Khánh Nhạc đã tăng đột biến. Toàn xã có trên 40 mẫu ruộng bị nhiễm lúa cỏ, trong đó có khoảng 16 mẫu có tỷ lệ lúa cỏ đặc biệt cao, buộc phải tiêu hủy.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Hiện nay, lúa cỏ trên địa bàn xã đang ở giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trỗ bông. Trong khi đó đặc điểm của loại lúa này là thời gian từ trỗ đến chín là khá nhanh, đặc biệt hạt lúa vừa chín sẽ tự rụng khi có ánh nắng mặt trời.
Do vậy, thời gian còn lại để xử lý lúa cỏ không nhiều và ngay trong những ngày nghỉ lễ giỗ Tổ vừa qua, xã đã tổ chức một cuộc họp khẩn, thành phần bao gồm Ban quản trị các HTX; Bí thư, Trưởng thôn, Ban công tác Mặt trận các thôn, xóm; các Hội, đoàn thể… để bàn các biện pháp khẩn cấp xử lý lúa cỏ.
Theo đó, thống nhất, đối với những diện tích tỷ lệ lúa cỏ cao, không có khả năng nhổ bỏ vận động các hộ dân cắt hủy toàn bộ. Đối với những diện tích nhiễm ít (15-20%), tuyên truyền để bà con huy động nhân lực nhổ bỏ triệt để, càng sớm càng tốt.
Riêng các hộ chính sách, hộ neo đơn, khó khăn, sẽ huy động lực lượng đoàn thanh niên, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ trong việc tiêu hủy. Dự kiến, xã Khánh Nhạc sẽ trích một phần kinh phí để hỗ trợ cho những hộ gia đình có lúa phải cắt hủy.
Đó là trước mắt, còn về lâu dài, Khánh Nhạc dự kiến sẽ chuyển đổi một phần diện tích sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị như ngô ngọt, ngô nếp, rau, đậu tương ... ít nhất 2 năm trở lên để hạn chế và diệt trừ lúa cỏ tồn tại trong đất.
Nếu các hộ vẫn quyết tâm trồng lúa thì cần thực hiện tổng hợp các biện pháp kỹ thuật như làm đất sớm, nhử cho lúa cỏ và nhiều loại cỏ dại khác mọc lên rồi tiêu diệt bằng cách cày, bừa hoặc phun các loại thuốc trừ cỏ. Khi sạ sẽ sạ hàng để sau này lúa dại mọc có thể dễ dàng phân biệt và loại bỏ.
Ngoài ra, xã cũng tiếp tục tăng cường tuyên truyền để mọi người dân nhận thức được tác hại của lúa cỏ, từ đó có ý thức, trách nhiệm trong việc phòng trừ. Phải làm sao phòng trừ thường xuyên liên tục và tất cả các hộ dân phải làm thì mới có hiệu quả.
Ông Phạm Văn Bao, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm 2B chia sẻ: Hiện trong xóm có khoảng 20 hộ có diện tích lúa bị nhiễm lúa cỏ. Ngay sau khi có chỉ đạo của xã chúng tôi đã đến từng hộ gia đình có diện tích lúa cỏ để vận động bà con nhổ bỏ. Đa số bà con đều đã nhận thức được tác hại của lúa cỏ và nghiêm túc thực hiện.
Một tin vui đối với bà con nông dân Khánh Nhạc là vừa qua đã có một chủ trang trại nuôi bò trong xã đứng ra thu mua toàn bộ diện tích lúa phải tiêu hủy để về ủ chua làm thức ăn cho bò với giá 500 đồng/1kg, như vậy, ngoài tiền hỗ trợ của xã, tính ra một sào lúa tiêu hủy bà con vẫn có thể thu về được 500 nghìn đồng nữa.
Bài, ảnh: Hà Phương