Gia đình chị Phạm Thị Thúy, xóm 2A là gia đình nghèo nhiều năm nay của xóm và của xã. Thực tế nguyên nhân nghèo không phải do anh chị không biết làm ăn, mà nguyên nhân chính là do hai vợ chồng không được khỏe mạnh, lại phải nuôi 2 con ăn học. Cấy 7 sào ruộng, nhưng nếu chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp cũng chỉ đủ ăn, trong khi gia đình chị Thúy đủ thứ phải chi tiêu, lo lắng. Là hộ nghèo, được sự quan tâm của xã, của thôn, năm 2011, gia đình chị Thúy được Tập đoàn Vingroup tặng 1 con bò cái, anh chị vay thêm vốn ưu đãi của ngân hàng mua thêm 2 con bò để cùng chăn thả. Hiện gia đình chị đang nuôi 3 con bò và 1 con bê, hứa hẹn cho số vốn kha khá nếu xuất bán. Vì điều kiện sức khỏe, hàng ngày chị Thúy ở nhà chăn nuôi vài chục con gà, chị mở thêm quầy tạp hóa, lúc rảnh rỗi làm thêm nghề đan cói cho Doanh nghiệp cói xuất khẩu Thành Hóa. Chị Thúy cho biết, chị rất biết ơn sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền từ xóm đến xã, anh em bà con đã dành cho gia đình chị những khoản viện trợ, vốn vay ưu đãi, động viên cả vật chất lẫn tinh thần để gia đình dần vươn lên ổn định cuộc sống. Hiện gia đình anh chị đang tính toán nhiều cách để phát triển kinh tế gia đình, nỗ lực phấn đấu sang năm thoát nghèo một cách bền vững.
Theo nghề trồng nấm đã hơn 10 năm nay, đối với gia đình anh Phùng Thế Tào, xóm 4A, từ cây nấm đã cho gia đình anh cuộc sống ổn định, nuôi các con ăn học đầy đủ. Anh Tào cho biết: Nghề trồng nấm khá dễ làm, chỉ cần siêng năng, chăm chỉ và thực hiện đúng quy trình là cho lợi nhuận hơn nhiều lần làm nông nghiệp. Tận dụng phụ, phế phẩm của hơn 1 mẫu ruộng cấy lúa, cộng thêm với nguồn nguyên liệu khá dễ mua, mỗi năm gia đình anh Tào sử dụng 25-30 tấn nguyên liệu trồng các loại nấm, cho thu hoạch vài tấn nấm tươi các loại. Trên diện tích 500m2 nhà xưởng, anh Tào cho quay vòng trồng các loại nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm; vừa qua anh đưa vào trồng nấm trái vụ cho hiệu quả kinh tế khá cao. Từ trồng nấm, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh Tào thu lãi 60-70 triệu đồng, cao hơn nhiều lần trồng lúa. Đặc biệt yên tâm hơn khi đầu ra cho sản phẩm nấm hiện đang rất rộng, thương lái đến thu mua tận nhà, thậm chí còn đặt hàng trước đối với những sản phẩm nấm chất lượng ngon như nấm sò tím, nấm mỡ, nấm trái vụ…
Đồng chí Vũ Ngọc Bản, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Nhằm từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững, chắc chắn và tạo điều kiện để các hộ trung bình vươn lên khá, khá vươn lên giàu, xã Khánh Nhạc đã đề ra nhiều giải pháp để phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Theo đó, đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hàng năm xã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể và các thôn, xóm tiến hành điều tra, rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách chặt chẽ, cụ thể để có phương án, giải pháp hỗ trợ kịp thời, đúng hướng, giúp các gia đình này vươn lên. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nói chung, hộ nghèo và cận nghèo nói riêng tích cực áp dụng KHKT vào gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng nhằm tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác. Năm 2013, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích của xã đạt 92,4 triệu đồng/ha. Quan tâm phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT trong sản xuất, chăn nuôi, dạy nghề cho lao động địa phương, khuyến khích người dân mở rộng các mô hình kinh tế tổng hợp, phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề. Năm 2013, xã tổ chức 4 lớp dạy nghề cho 145 lao động, trong đó có 1 lớp dạy nghề trồng nấm, 2 lớp dạy nghề đan bèo bồng và 1 lớp dạy nghề nuôi gà. Ngoài ra, các tổ chức, đoàn thể cũng rà soát cụ thể số hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân trên địa bàn có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế để tín chấp cho vay. Hiện toàn xã có trên 1.100 lượt hộ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, trên 1 nghìn lượt hộ vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT với tổng số tiền trên 64 tỷ đồng. Cùng với đó, khắc phục tình trạng thu nhập thấp trên đơn vị diện tích canh tác, đối với những diện tích thuộc vùng cấy lúa kém hiệu quả, xã Khánh Nhạc đã tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi hình thức sang phát triển kinh tế hộ theo hướng cấy lúa + thả cá, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đối với sản xuất vụ đông, xã có chính sách hỗ trợ nông dân đưa vào gieo trồng những cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao như dưa bao tử, cà chua nhót, khoai tây… bằng chính sách hỗ trợ giống, một phần chi phí làm giàn, cọc, đánh rãnh… nhằm tăng giá trị thu hoạch trên đơn vị diện tích canh tác…
Với nhiều giải pháp chỉ đạo, hỗ trợ giảm nghèo quyết liệt, hiệu quả, năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của xã Khánh Nhạc giảm đáng kể. Hiện toàn xã còn 155 hộ nghèo, chiếm 4,2% (giảm 1,71% so với năm 2012). Số hộ cận nghèo còn 142 hộ, chiếm 3,8%; số hộ khá và giàu chiếm trên 50%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm (tăng 3,3 triệu đồng so với năm 2012). Xã hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo đề án quy hoạch… Năm 2014, xã Khánh Nhạc phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/năm; giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác đạt 110 triệu đồng/năm. Phấn đấu hoàn thành 4 tiêu chí còn lại trong xây dựng nông thôn mới (chợ, điện, hộ nghèo, môi trường)…
Để thực hiện được các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt giúp các hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững, xã Khánh Nhạc tiếp tục đề ra các giải pháp trọng tâm như: Tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, tập trung cải tạo vườn tạp, nâng cao hiệu quả sản xuất cây vụ đông, đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính. Đẩy mạnh phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động dịch vụ. Xây dựng và thực hiện hiệu quả cánh đồng mẫu lớn 250 ha ở 2 HTX nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân …
Bài, ảnh: Hạnh Chi