Thực hiện Nghị quyết 10/NQ-TU ngày 15-10-2007 của Tỉnh ủy về "Tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010", Đảng bộ xã Khánh Hồng đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với những giải pháp đồng bộ, với những định hướng lãnh đạo, chỉ đạo thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình địa phương. Qua đó không chỉ khai thác được tiềm năng, thế mạnh, sử dụng tối đa nguồn nhân lực tại địa phương mà còn góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7,2%.
Chúng tôi có dịp tới thăm gia đình ông Trần Văn Ái (xóm 13, xã Khánh Hồng), một gia đình những năm trước đây được gọi là "gia đình chị Dậu" với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con cái đông nhưng không có việc làm, 2 vợ chồng đau yếu quanh năm, cơm không đủ ăn… Được sự giúp đỡ của Hội cựu chiến binh xã, giờ đây gia đình ông đã có nhà mới, được hỗ trợ 1 con bò giống để sản xuất, 1 người con được hỗ trợ vay vốn đi xuất khẩu lao động. Đến nay gia đình ông đã thoát nghèo. Ông xúc động nói: Nếu không có sự giúp đỡ của Đảng, của chính quyền không biết bao giờ chúng tôi mới có được cuộc sống ổn định như ngày nay…
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo (XĐGN), Ban chỉ đạo XĐGN của xã được kiện toàn do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm trưởng ban, các đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã làm phó ban, trưởng các ban, ngành, đoàn thể làm ủy viên nhằm huy động tối đa lực lượng chung tay giảm nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, Ban chỉ đạo XĐGN của xã xác định, để thực hiện tốt công tác này, việc đầu tiên là phải tiến hành công tác tư tưởng thật tốt để tạo được sự đồng thuận của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, mỗi người, mỗi nhà đều nhận thức công tác XĐGN đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng trong lao động sản xuất của từng cá nhân chứ không ỷ lại vào sự hỗ trợ của các cấp chính quyền. Sau khi đã thống nhất được tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, Ban chỉ đạo XĐGN xã đã căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, xây dựng chương trình hành động với những nội dung trọng tâm là: Tập trung xóa nhà tranh, vách đất, hỗ trợ nguồn vốn sản xuất, phát triển chăn nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi để phát triển sản xuất, chuyển giao KHKT cho người nghèo về giống cây trồng, vật nuôi... Ban chỉ đạo XĐGN xã thường xuyên nắm tình hình, phân loại nhóm hộ nghèo theo từng nguyên nhân để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp. Đến nay toàn xã có 194 hộ nghèo, không còn hộ đói. Trong đó, 60% nghèo do thiếu vốn, thiếu kiến thức KHKT, 35% nghèo do thiếu lao động, 5% nghèo do ốm đau, rủi ro và các nguyên nhân khác.
Thực hiện Nghị quyết 10/NQ-TU của Tỉnh ủy về "Tăng cường lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo đến năm 2010", Đảng bộ xã không chỉ quan tâm đến việc xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết sao cho đúng và trúng, phù hợp, hiệu quả mà còn triển khai làm tốt việc phân công trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phụ trách việc lãnh đạo công tác giảm nghèo tại các chi bộ thôn, xóm. Đảng ủy xã đã giao trách nhiệm cho các đồng chí đảng ủy viên phụ trách các chi bộ xóm thường xuyên bám sát, nắm bắt tình hình cơ sở, đẩy mạnh việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách về giảm nghèo... Trên cơ sở có sự khảo sát, nắm bắt tình hình, tìm hiểu cặn kẽ tâm tư, nguyện vọng của từng hộ nghèo, từng chi bộ họp thảo luận, bàn bạc cách làm, phương thức giúp đỡ hộ nghèo, xác định nguyên nhân nghèo để triển khai các phương án.
Cùng với sự vào cuộc của các đoàn thể, Đảng ủy đã chỉ đạo chặt chẽ việc từng đoàn thể triển khai các hoạt động trợ giúp hội viên phát triển kinh tế như: Chuyển giao KHKT, dạy nghề, tạo vốn... để "lồng ghép" việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận với kiến thức khoa học, cách làm ăn mới. Đối với những hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất, Đảng ủy đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trong năm 2008 trên 2 tỷ đồng để giúp người dân phát triển sản xuất. Vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng trên diện tích màu, đưa cây đậu tương xuống đất 2 lúa với tổng diện tích 212 ha (bằng 50%), luân canh 3 đến 4 vụ/năm đem lại giá trị sản xuất cao từ 100 triệu đồng trở lên/ha.
Giải quyết vấn đề thiếu nguồn nhân lực, Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là các nghề mây tre đan, chế biến cói, đan bèo bồng, làm mộc, xây dựng… Đến nay, một số nghề như đan bèo bồng, thêu ren, mây tre đan được phát triển và duy trì, sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, thu hút đông đảo người dân trong xã tham gia, trong đó, phần lớn hộ nghèo của xã đều học và làm nghề, có thu nhập từ 20-25 nghìn đồng/người/ngày. Bên cạnh việc hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, Đảng ủy và chính quyền địa phương cũng quan tâm giải quyết đồng bộ các vấn đề xã hội. Đó là đảm bảo các chế độ, chính sách ưu tiên đối với người nghèo theo quy định của Nhà nước, cấp phát đầy đủ thẻ hộ nghèo, thẻ BHYT, giảm một số khoản đóng góp cho các hộ nghèo, con em thuộc diện hộ nghèo... Đặc biệt, xã đã quan tâm đến việc giúp hộ nghèo "an cư lạc nghiệp", có mái ấm khang trang, kiên cố để ổn định cuộc sống. Thực hiện Đề án 02 của HĐND tỉnh và Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về việc xóa nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách, Đảng ủy xã đã triển khai việc tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư, các đoàn thể quần chúng cùng giúp hộ nghèo xây dựng nhà mới. Từ việc thực hiện Đề án 02, đã có 5 hộ nghèo trong xã được hỗ trợ kinh phí, ngày công để hoàn thiện các ngôi nhà cùng với kinh phí hỗ trợ của tỉnh.
Mặc dù là một xã thuần nông còn nhiều khó khăn nhưng việc thực hiện công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền xã Khánh Hồng xác định là nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 9% xuống 7,2%. Tin rằng với những kết quả đã đạt được trong công tác XĐGN, Khánh Hồng sẽ đưa Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy trở thành hiện thực trong cuộc sống.
Bài, ảnh: Minh Tâm