Những ngày này, trên cánh đồng sau trụ sở UBND xã Khánh Hải, hoạt động thu hoạch khoai tây đang diễn ra hết sức khẩn trương, chỉ sau vài đường di chuyển của chiếc máy thu hoạch khoai tây, hàng loạt củ khoai lớn, nhỏ đã nằm phơi trên mặt ruộng, còn nhân công chỉ việc đi sau nhặt củ và phân loại. Anh Mai Văn Đặng, chuyên viên kỹ thuật của Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình cho biết: 30 ha đất này, Công ty thuê của các hộ nông dân với mức giá 60 kg/sào/vụ; giống, kỹ thuật đơn vị cử cán bộ về phụ trách, còn lao động trồng, chăm sóc thuê tại địa phương. Vụ đông năm nay, do điều kiện thời tiết thuận lợi, cây khoai tây sinh trưởng phát triển tốt, sạch bệnh, cho củ to, đều, hàm lượng tinh bột cao; năng suất trung bình đạt 6 tạ/sào.
Đặc biệt, với việc trồng trên diện tích lớn, toàn bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch đều được Công ty đưa máy móc hiện đại vào để thực hiện nên giảm được rất nhiều công lao động. Bên cạnh đó các quy trình chăm sóc được thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo các tiêu chí của sản phẩm nông nghiệp sạch.
Trò chuyện với chúng tôi, một nhân công tham gia thu hoạch khoai tây cho hay: Những người luống tuổi như chúng tôi không đủ sức khỏe để vào làm tại các nhà máy, xí nghiệp, nhưng từ khi doanh nghiệp vào thuê đất sản xuất, tôi có việc để làm thêm lúc nông nhàn. Với mức thù lao 140 nghìn đồng/ngày, mỗi tháng tôi làm khoảng 10-20 ngày, thu nhập đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày.
Bà Nguyễn Thị Chiến, xóm Trung B, Đông Mai, xã Khánh Hải phấn khởi nói: Trước đây, những mảnh ruộng này 1 năm chỉ cấy hai vụ, vụ được, vụ mất, còn vụ đông thì chỉ bỏ không, tính ra cả năm vất vả chỉ thu được vài tạ thóc/sào, trừ chi phí không có lãi.
Cho doanh nghiệp thuê với giá 110-120 kg thóc/sào/năm lãi hơn cả tự trồng lúa, tôi lại có thêm thu nhập khi làm việc cho Công ty. Nhiều người dân trong vùng cho biết, những năm gần đây, lao động trẻ, khỏe đã dần chuyển sang đi làm công nhân, ở nhà chỉ còn người già và trẻ em, không có lao động để làm nông nghiệp.
Mặt khác, sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế mang lại không cao do diện tích trồng nhỏ lẻ, không áp dụng được cơ giới, mất nhiều công chăm sóc…, vì vậy, nhiều hộ nông dân đã không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Khi doanh nghiệp đứng lên tích tụ ruộng đất, đa phần bà con ai cũng ủng hộ.
Cũng mảnh đất ấy, nhưng được đầu tư khoa học kỹ thuật, sản xuất quy mô lớn sẽ tạo ra sản phẩm nông sản hàng hóa năng suất, chất lượng cao, tránh được việc lãng phí đất đai, lại giúp người dân có thêm việc làm, thêm thu nhập, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Được biết, ngoài diện tích ở Khánh Hải, hiện nay, Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình còn tích tụ ruộng đất triển khai sản xuất nông sản quy mô lớn ở nhiều địa phương khác trong tỉnh như xã Khánh Hồng, Khánh Nhạc, Khánh Mậu (huyện Yên Khánh); một số xã của huyện Nho Quan... bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao hiệu quả canh tác nông nghiệp và thu nhập cho người nông dân.
Hà Phương