Những ngày đầu tháng 10 này là thời điểm những cánh đồng ở Khánh Cư trở nên nhộn nhịp nhất bởi bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch lúa mùa và làm cây vụ đông. So với những năm trước đây, vụ đông năm 2008, Khánh Cư triển khai gieo trồng chậm hơn 5-7 ngày do ảnh của thời tiết. Khi chúng tôi có mặt tại cánh đồng Chằm, hàng trăm hộ nông dân đang làm đất, gieo trồng, chăm sóc cây vụ đông. Ngừng tay chăm sóc luống đậu tương, chị Lan cho hay: "Năm nay mặc dù gieo trồng muộn hơn so với vụ đông trước, nhưng do có định hướng, chỉ đạo sát sao, kịp thời của huyện và xã nên cơ bản diện tích gieo trồng của gia đình tôi sẽ vẫn đảm bảo khung thời vụ. Năm nay, gia đình mạnh dạn đăng ký làm 2,2 mẫu cây đông, trong đó có gần 2 mẫu được trồng trên đất 2 lúa, chủ yếu là các giống đậu tương, bí xanh và ngô lai. Thuận lợi khi trồng các giống mới là cán bộ khuyến nông xã thường xuyên giúp đỡ, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật, cách chăm sóc và cách phòng chống sâu bệnh, nên dù có gieo trồng muộn hơn nhưng gia đình tôi vẫn hy vọng vụ đông năm nay cho năng suất cao".
Đồng chí Phạm Văn Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Cư cho biết, phong trào làm vụ đông của xã đã có từ lâu, và thực sự phát triển mạnh từ khi có Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về phát triển cây vụ đông. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã đã tổ chức nhiều đoàn đi học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở Hà Tây, đến nay vụ đông đã dần trở thành vụ sản xuất chính của người dân trong xã. Từ phát triển cây vụ đông, nông dân trong xã không lo thiếu lương thực, mà còn dư lương thực cho chăn nuôi và rau màu đã trở thành hàng hóa cung cấp cho thị trường, Nhờ phong trào làm vụ đông mà nhiều hộ gia đình trong xã như các ông Lê Văn Lan, Đinh Văn Kiếm, Trần Văn Sinh… đã làm giàu từ những cánh đồng có thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm. Vụ đông năm nay, Khánh Cư phấn đấu gieo trồng 250 ha cây vụ đông gồm: trên 120 ha đậu tương, 70 ha ngô và 40 ha rau màu như khoai tây, lạc, bí xanh… Xã đã chỉ đạo các HTX và bà con nông dân đặc biệt chú trọng đến khâu làm đất, đồng thời phải lấy chăm sóc sớm, chăm sóc tập trung để giải quyết vấn đề thời vụ. Trước khi gặt từ 5 đến 7 ngày, chú ý việc điều tiết nước trên các chân ruộng đảm bảo gặt xong có thể làm đất để gieo trồng cây đông.
Nông dân Yên Khánh chăm sóc ngô đông. Ảnh: Phạm Trường
Đồng chí Phó chủ tịch UBND xã cho biết thêm: "Do triển khai muộn hơn nên chúng tôi đã khuyến cáo bà con nông dân có thể chuyển một số diện tích sang trồng những cây rau, màu ngắn ngày phù hợp, đảm bảo thời gian và cơ cấu mùa vụ. Đồng thời, nông dân cần tập trung chăm sóc sớm, sử dụng các loại thuốc BVTV kích thích sinh trưởng để cây phát triển tốt. Những vùng sản xuất theo hướng mô hình sản xuất hàng hóa cần tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật, cách hướng dẫn chăm sóc của cán bộ khuyến nông cơ sở để đảm bảo năng suất và hiệu quả…". Bên cạnh đó, xã chỉ đạo tổ khuyến nông phối hợp với HTX nông nghiệp, trưởng khu dân cư, thường xuyên tuyên truyền trên đài truyền thanh của xã và tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và làm tốt công tác dự tính, dự báo sâu bệnh, chỉ đạo phòng trừ cụ thể, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Hiện Khánh Cư đã gieo trồng được trên 240 ha cây đông, phấn đến cuối tháng 10 sẽ làm thêm 20 ha khoai tây, hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Với những giải pháp đồng bộ, cụ thể và sát với thực tế, sản xuất vụ đông năm nay ở Khánh Cư đang tiến hành rất thuận lợi, hứa hẹn một vụ sản xuất thắng lợi góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân trong xã.
Quốc Khang