Đồng chí Phạm Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Khánh Công cho biết: Bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Khánh Công có nhiều khó khăn là: Địa bàn rộng, dân cư thưa, xa trung tâm huyện, cơ sở hạ tầng (giao thông, trường học, nhà văn hóa...) còn thiếu thốn và bất cập.
Kinh tế trên địa bàn xã chủ yếu là nông nghiệp, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân nói riêng và việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói chung.
Bên cạnh đó, nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Vượt lên những khó khăn đó, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng chung tay thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Hơn 6 năm qua, Khánh Công đã huy động được 268.469 triệu đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó: Vốn ngân sách là 55.310 triệu đồng, vốn tín dụng 74.870 triệu đồng, vốn doanh nghiệp 69.000 triệu đồng, vốn nhân dân đóng góp 69.289 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và các doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp.
Xã đã tiếp nhận 3.850 tấn xi măng của tỉnh để xây dựng và nâng cấp 162 tuyến đường với 35,5 km đường giao thông nông thôn, nâng tổng số tuyến đường giao thông trên địa bàn xã lên 63,9 km (đạt 100%) được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa.
Hệ thống thủy lợi có 89 km kênh mương, 1 trạm bơm, 7 bể bơm điện, 2 cống cấp I... được nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và dân sinh.
Về hệ thống điện, xã đã xây mới 2 trạm biến áp, 15 km đường dây hạ thế, nâng cấp cải tạo 3 trạm biến áp và 10 km đường dây, đảm bảo 100% người dân được dùng điện và đáp ứng yêu cầu của sản xuất.
Hiện nay xã có trường Mầm non và Tiểu học đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia; trường Trung học cơ sở đã khởi công xây dựng thêm 6 phòng học và 5 phòng chức năng.
Về cơ sở vật chất văn hóa, xã đã đầu tư, nâng cấp nhà văn hóa trung tâm, quy mô 250 chỗ ngồi; sân vận động quy mô 10.800m2; xây mới 4 nhà văn hóa thôn, nâng cấp sửa chữa 11 nhà văn hóa thôn...
Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài của chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã tập trung quy hoạch sản xuất cho từng vùng và hoàn thành sớm công tác "dồn điền, đổi thửa" bình quân còn 1,2 thửa/hộ, tạo điều kiện cho nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa máy móc vào đồng ruộng, từ đó nâng cao năng suất, giá trị và hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân.
Trên địa bàn xã hiện có 5 trang trại và 60 gia trại có thu nhập bình quân đạt trên 100 triệu đồng/năm. Toàn xã có 54 máy làm đất, 11 máy gặt đập liên hợp, đã chủ động hoàn toàn về khâu điều tiết nước, làm đất và thu hoạch.
Năm 2016, diện tích gieo trồng đạt 419,2 ha với tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 5.449,5 tấn. Đàn trâu, bò có 238 con, lợn 380 con, gia cầm hơn 30.000 con. Diện tích nuôi trồng thủy sản có 30 ha cho sản lượng đạt 100 tấn/ha/năm.
Xã cũng chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống và dịch vụ. Trên địa bàn xã có 1 doanh nghiệp hoạt động thu hút 250 lao động địa phương với mức lương từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.; 270 hộ kinh doanh, dịch vụ nghề phi nông nghiệp với 600 lao động tham gia thường xuyên; 1 HTX nông nghiệp hoạt động ở 7 khâu dịch vụ...
Đến hết năm 2017, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác và mặt nước của xã đạt 97 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt 33,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,99%.
Không chỉ tập trung hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất..., các tiêu chí về văn hóa, xã hội, môi trường cũng được xã quan tâm, chỉ đạo thực hiện với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng tích cực của người dân.
Đến cuối năm 2017, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được các sở, ngành thẩm tra công nhận và cùng với tiêu chí của tỉnh về sự hài lòng của người dân đạt 91,62% đã đưa Khánh Công về "đích" xã nông thôn mới năm 2017.
Đinh Chúc