Việc tổ chức sự kiện này nhằm giới thiệu những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của khu vực đồng bằng sông Hồng, thể hiện thế mạnh và tiềm năng du lịch của Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù. Triển lãm cũng là một hình thức tham gia quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam đến với du khách trong nước và quốc tế. Ðây còn là sự kiện triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành giữa hai bộ và các ban, ngành liên quan: Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam từ năm 2008 đến năm 2013 với "Ngày về nguồn 23-11", gắn các hoạt động trường học với việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong cuộc sống hôm nay.
Triển lãm "Khám phá văn minh sông Hồng" có nhiều khu trưng bày. Tâm điểm của triển lãm là khu giới thiệu tổng quan những nét đặc trưng của văn minh sông Hồng, một nền văn minh bản địa, có sức sống mạnh mẽ, được lưu giữ và phát huy qua các thời kỳ lịch sử. Khu trưng bày nối tiếp "Từ Ðông Sơn đến Ðại Việt", cho thấy tương đối đầy đủ thời kỳ hình thành và phát triển của văn minh sông Hồng từ hàng nghìn năm trước. Văn minh Ðông Sơn hay văn minh Lạc Việt đã phát triển trên nhiều địa bàn sinh thái khác nhau mà châu thổ sông Hồng là nơi hội tụ, kết tinh. Phòng trưng bày thời kỳ này tập trung giới thiệu các thành tựu văn hóa vật chất và tinh thần, đặc biệt nhấn mạnh đến ngành luyện kim, thông qua các hiện vật: trống đồng, công cụ lao động, vũ khí, đồ trang sức, nhạc khí... và nhiều thành tựu trong công nghệ sản xuất gốm, sứ cùng các tài liệu sử học: "Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn, bản đồ Thăng Long thời Lê sơ, bản ảnh Khu di tích khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, bản ảnh thềm rồng Ðiện Kính Thiên trong thành cổ Hà Nội, bản ảnh Ðền Ðồng Cổ.
Triển lãm còn có khu trưng bày tranh dân gian Việt Nam, giới thiệu các dòng tranh tiêu biểu và khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống, có trình diễn thao tác làm ra sản phẩm của các nghệ nhân như: thêu Quất Ðộng (Hà Nội), gốm Chu Ðậu (Hải Dương), đồng Ðại Bái (Bắc Ninh), thêu móc (Hải Phòng), gỗ La Xuyên (Nam Ðịnh)... Bên cạnh đó là khu trưng bày những cánh diều sáo vùng đồng bằng sông Hồng với gần 50 bộ diều sáo, trong đó con diều "Chú Tễu" đạt kỷ lục Ghi-nét với chiều cao tám mét do 13 nghệ nhân thuộc 10 câu lạc bộ diều đến từ bảy tỉnh đồng bằng sông Hồng thực hiện. Các nghệ nhân sẽ thao tác, hướng dẫn làm diều tại chỗ và cùng các em thiếu nhi thể hiện những hình ảnh di sản văn hóa trên những cánh diều. Ðặc biệt, mỗi tỉnh và thành phố trong khu vực đều có khu triển lãm riêng giới thiệu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của địa phương mình.
Trong thời gian diễn ra triển lãm, một số cuộc hội thảo, giao lưu văn hóa nghệ thuật cũng được tổ chức, trong đó có hội thảo "Phát huy di sản văn hóa dân gian - thực trạng và phát triển" và lễ tôn vinh các cựu chiến binh tham gia trận chiến đấu "Ðiện Biên Phủ trên không năm 1972", đêm liên hoan văn nghệ, giao lưu tuổi trẻ với di sản văn hóa cùng nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống vùng đồng bằng sông Hồng như: ca trù, quan họ, chầu văn, hát xoan, chèo, rối nước...
Theo Nhandan