Theo khảo sát của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tuổi đời bình quân của đội ngũ đảng viên đang sinh hoạt tại các chi bộ thôn, xóm hiện nay khoảng trên 60 tuổi. Đây là con số đáng lưu tâm về thực trạng "già hóa" đảng viên nông thôn.
Làm gì và làm như thế nào để tăng sức trẻ cho chi bộ thôn, xóm, nhiều chi bộ đã có những cách làm sáng tạo
Kỳ I: Thực trạng "già hóa" đảng viên nông thôn
Một hiện tượng khá phổ biến ở các chi bộ thôn, xóm hiện nay là tuổi đời bình quân của đảng viên ngày một "già" đi. Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, toàn tỉnh hiện có 1.698 chi bộ thôn (xóm), bản, trong đó có 1.688 thôn (xóm), bản có chi bộ sinh hoạt riêng; 11 thôn (xóm) chưa có tổ chức Đảng, đảng viên phải sinh hoạt ghép, tập trung ở 2 huyện Kim Sơn và Yên Mô. Tổng số đảng viên đang sinh hoạt ở các chi bộ nông thôn là 23.737 đảng viên, chiếm 40,84% so với tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ. Một điều đáng lưu tâm là mặc dù các cấp ủy Đảng đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên, tuy nhiên tỷ lệ đảng viên mới kết nạp là lao động nông nghiệp, ngành nghề ở nông thôn có chiều hướng giảm, nguyên nhân do khó khăn về nguồn, năm 2009 đạt tỷ lệ 25,3% trong tổng số đảng viên mới kết nạp, năm 2011 đạt 14,9%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân vì sao tuổi đời bình quân của đảng viên nông thôn ngày một "già" đi.
Trao đổi về công tác phát triển đảng viên, đồng chí Quách Văn Hạ, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Bình (Nho Quan) cho biết, 3 năm gần đây, toàn Đảng bộ kết nạp được 27 đảng viên mới, trong đó các chi bộ thôn kết nạp được 10 đảng viên. Tuổi đời bình quân của đảng viên trong toàn Đảng bộ là 65,2 tuổi, một số chi bộ như Đồi Dài, Đồi Bồ 5 năm gần đây chưa kết nạp được đảng viên mới, chi bộ Vệ Chùa 4 năm, thôn Lải 3 năm liền chưa kết nạp được đảng viên. Tìm hiểu thực tế ở chi bộ thôn Đồi Dài cho thấy, chi bộ có 7 đảng viên, trong đó 2 đảng viên nghỉ sinh hoạt do tuổi cao, sức yếu, còn lại 5 đảng viên thì 4 đảng viên ở độ tuổi từ 50 đến 64, có duy nhất một đảng viên dưới 30 tuổi hiện nay đang làm bí thư chi đoàn.
Đồng chí Trần Văn Thái, Bí thư chi bộ thôn Đồi Dài cho biết, thôn có 116 hộ dân, địa bàn rộng, có tới 5 xóm, chi bộ vừa ít đảng viên lại phần đông là đảng viên cao tuổi, do đó đã ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, việc triển khai các nghị quyết của chi bộ, đảng bộ nhiều khi rất khó.
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao chi bộ Đồi Dài nhiều năm không kết nạp được đảng viên, đồng chí Bí thư chi bộ cho biết: "Không phải chi bộ không quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, kỳ sinh hoạt nào cũng đề cập tới vấn đề này, nhưng khó khăn là không có nguồn, phần lớn thanh niên trong thôn đi làm ăn xa, số ở nhà thì còn mải làm kinh tế, việc tham gia sinh hoạt các đoàn thể ít hấp dẫn với họ và do đó, khó chọn nguồn để bồi dưỡng, kết nạp Đảng".
Xã miền núi Ninh Xuân (Hoa Lư) những năm gần đây có nhiều khởi sắc sau khi Khu du lịch sinh thái Tràng An đi vào hoạt động, nhiều lao động trong xã đã có thêm việc làm. Tuy nhiên, "giữ chân" thanh niên ở lại quê hương sinh sống, làm ăn vẫn đang là "bài toán khó" đặt ra với cấp ủy Đảng, chính quyền nơi đây.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lưu Đình Bốn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: 2 năm (2010, 2011), Đảng bộ xã không hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch phát triển đảng viên, số đảng viên mới kết nạp chủ yếu là ở các chi bộ khối cơ quan xã, giáo dục, y tế, 3 năm liền các chi bộ khu vực nông thôn chỉ kết nạp được 3 đảng viên mới.
Khó khăn ở đây vẫn là không có nguồn để bồi dưỡng phát triển Đảng. Lực lượng đoàn viên, thanh niên trong xã phần lớn đi học các trường đại học, cao đẳng, học nghề, hoặc chọn con đường đi làm ăn xa, số tham gia lao động, sinh hoạt ở nhà chủ yếu là người già, phụ nữ, do đó nguồn phát triển đảng viên rất hạn chế. Thực trạng trên dẫn đến tuổi đời bình quân của đảng viên ở Đảng bộ xã Ninh Xuân cũng đang ngày một "già" đi, bình quân là 57 tuổi.
Thực trạng "già hóa" đảng viên đang là băn khoăn, lo lắng của nhiều chi bộ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa hiện nay. Đồng chí Trương Văn Tế, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nho Quan tâm sự: Mặt tích cực của đội ngũ đảng viên cao tuổi là có lập trường chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, luôn giữ được sự đoàn kết, gắn bó giữa Đảng với dân, có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Thế nhưng phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, đa phần đảng viên cao tuổi là những người đã xa rời đồng ruộng từ lâu, do đó việc lãnh đạo trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật gặp nhiều khó khăn.
Thực tiễn công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ, khỏe, có đủ năng lực tiếp nhận và ứng dụng tri thức khoa học, kỹ thuật mới để lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các chi bộ thôn, xóm đang rất cần được "tiếp sức" để nâng cao năng lực lãnh đạo và cũng rất cần có thêm sức trẻ để đảm đương những công việc mới.
>>>Kỳ II: Làm gì để tăng sức trẻ cho Chi bộ thôn, xóm.
Thu Thủy