Tranh thủ nắng lên, chị Lê Thị Thu, thôn Sào Long, xã Gia Lập (Gia Viễn) ra đồng, san lại mặt ruộng để gieo lại hơn 2 sào lúa mùa bị hỏng do mưa úng. Chị Thu cho biết, gia đình có 5 sào lúa, 3 sào chị cấy còn 2 sào thì gieo thẳng. Năm nay đầu vụ mưa nhiều, lúa cấy lên vù vù trong khi lúa gieo sạ thì hỏng hết. 2 sào sạ chị xuống giống từ hôm 10/7, được khoảng 1 tuần thì trời mưa to, nên cây bị trốc rễ, trôi dạt và thối sạch. May trong nhà còn trữ ít giống lúa Thiên ưu, chị đã ngâm và gieo lại diện tích hỏng. Được biết, vụ mùa 2017 này, xã Gia Lập gieo cấy trên 500 ha lúa, trong đó có khoảng 2/3 diện tích áp dụng phương pháp gieo thẳng. Thực hiện đúng khung lịch thời vụ, bà con ở đây đã bắt đầu làm đất, gieo cấy từ nửa cuối tháng 6.
Thế nhưng, sau cơn bão số 2, mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến cho các phương án chống úng, xử lý, khắc phục gần như vô tác dụng, nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là những ruộng mới gieo và ruộng bà con gieo sạ tự phát mà không nằm trong vùng quy hoạch. Thống kê chưa đầy đủ, toàn xã có tới vài chục ha lúa phải gieo lại, thậm chí có những ruộng bà con phải gieo đi gieo lại đến 2-3 lần.
Với những ưu điểm vượt trội của phương thức gieo thẳng, nông dân nhiều vùng sản xuất đã áp dụng hình thức này vào việc thâm canh lúa. Nhiều địa phương diện tích lúa gieo thẳng lên đến 60-100% tổng diện tích gieo cấy. Những trận mưa kéo dài vừa qua đã làm thiệt hại đáng kể những diện tích lúa đã được gieo thẳng, nhất là những ruộng vừa được ném mống.
Ông Lã Quốc Tuấn, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Từ sau cơn bão số 2 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta liên tục có mưa lớn.
Qua kiểm tra, tổng hợp từ các địa phương, toàn tỉnh có khoảng 4.000 ha lúa gieo thẳng bị ảnh hưởng. Phần lớn diện tích này đều gieo sau thời điểm 8/7, nằm rải rác ở các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn.
Tuy nhiên, lịch gieo cấy vụ mùa đối với Ninh Bình vẫn còn có thể kéo dài tới ngày 5/8. Ngành đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại khẩn trương khắc phục bằng cách ngâm ủ giống để gieo sạ lại hoặc gieo mạ sân để cấy. Lưu ý sử dụng các giống lúa ngắn ngày và cố gắng hoàn thành trước ngày 3/8 để không quá muộn so với lịch thời vụ.
Với những diện tích chỉ bị khuyết cây hoặc cây non chỉ bị hư hại phần thân lá phía trên thì hướng dẫn nông dân tiến hành phục hồi và chăm sóc bằng cách vớt sạch rong rêu, bùn đất để lúa ngoi được lên, phun thuốc hạn chế nấm và khô vằn kết hợp với sử dụng một số chế phẩm phân bón lá siêu lân hoặc siêu vi lượng để giúp rễ, lá lúa phục hồi nhanh hơn, giúp cây cứng cáp. Bà con cũng có thể chuẩn bị giống cùng loại vỗ mạ nền cứng để sau này dặm tỉa có mạ bổ sung vào những chỗ lúa chết nhằm đảm bảo lượng cây trong ruộng…
Riêng đối với một số diện tích cây rau màu bị đất rửa trôi, gí chặt bà con cần tranh thủ những ngày nắng ráo tiến hành xới xáo, vun gốc kết hợp bón bổ sung thêm phân lân với lượng 7-10 kg/sào và phun bổ sung phân bón lá. Tiếp tục gieo trồng rau các loại để đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong tỉnh.
Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp khắc phục trước mắt, việc gieo cấy lại nhiều lần còn có thể dẫn đến một số khó khăn về sau như cỏ dại, ốc bươu vàng, chuột hại và dịch bệnh phát triển. Nguyên nhân là đất không được xử lý lại, nông dân sử dụng lúa thịt để gieo sạ chắp vá; trừ ốc, trừ cỏ vừa phun trừ mà gặp mưa thì sẽ phải phun đi phun lại nhiều lần và hiệu lực sẽ không cao.
Hơn nữa, nhiều trà lúa, giống lúa khác nhau sẽ gây khó khăn trong công tác dự tính, dự báo, điều tra sâu bệnh sau này. Nhằm hạn chế tình trạng trên, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần quản lý, chăm sóc lúa tốt; tiến hành diệt ốc bươu vàng, bón phân sớm, tạo điều kiện cho cây lúa phát triển ngay từ giai đoạn đầu; không bón quá thừa đạm, thường xuyên thăm đồng để phát hiện và xử lý kịp thời khi có sâu bệnh xuất hiện…
Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật chuyên môn của ngành Nông nghiệp cũng sẽ bám sát đồng ruộng, phân rõ từng trà lúa, giống lúa; dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh ở từng giai đoạn phát triển của cây lúa để hướng dẫn nông dân sớm có các biện pháp quản lý phun trừ kịp thời.
Hà Phương