Từ kết quả thử nghiệm này, giống TH3-7 tiếp tục được ngành nông nghiệp gieo cấy thử nghiệm và mở rộng địa bàn sản xuất trong vụ xuân 2013 lên 20 ha, vụ xuân 2014 là 45 ha tại 12 HTX của các huyện: Nho Quan, Gia Viễn và Hoa Lư. Kết quả cũng cho thấy: TH3-7 là giống có khả năng thích ứng rộng, trên nhiều chân đất của các vùng miền khác nhau. Năng suất bình quân cũng tương tự như vụ đông xuân 2012 và có 2 HTX đạt năng suất trung bình cao tới 73 tạ/ha là Gia Vượng (Gia Viễn) và Đức Long (Nho Quan). Kết quả khảo nghiệm qua 3 vụ trên đã cho thấy tiềm năng và thế mạnh của giống TH3-7 trong vụ xuân.
Vụ mùa năm 2014, HTX Đức Long và Xích Thổ (Nho Quan) đã đưa giống TH3-7 vào gieo cấy trên diện tích 1 ha với kết quả: giống chống chịu khá tốt với điều kiện ngoại cảnh bất lợi, nhưng thời gian sinh trưởng kéo dài hơn so với các giống tại địa phương. Đặc biệt, trong vụ đông xuân 2015 vừa qua, diện tích gieo cấy giống lúa TH3-7 đã được nâng lên 181 ha, ở 18 HTX của 4 huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư và Yên Khánh. Qua theo dõi cho thấy: Trong vụ sản xuất này, nhiệt độ đầu tháng 4 hạ thấp (16-18oc) trong 4-5 ngày (từ 11 đến 15-4) và đúng vào dịp trỗ bông của giống lúa này, nhưng giống TH3-7 vẫn thể hiện khả năng thích ứng rõ rệt hơn các giống lúa khác cùng trà và trong điều kiện thời tiết bất thuận như vậy TH3-7 vẫn đạt tỷ lệ hạt chắc cao (83,2- 86,2%) với năng suất ước đạt bình quân trên 70 tạ/ha.
Như vậy, cho đến vụ đông xuân 2015, giống TH3-7 đã có 5 vụ (4 vụ đông xuân, 1 vụ mùa) được gieo cấy thử nghiệm trên đồng ruộng Ninh Bình và bước đầu được đánh giá là giống có tiềm năng năng suất cao, chịu thâm canh, khả năng thích ứng rộng với nhiều chân đất, nhất là ở chân đất vàn trũng. TH3-7 có khả năng kháng bệnh bạc lá, nhiễm nhẹ các loại sâu bệnh khác. TH3-7 có khả năng thích ứng với trà xuân sớm, nhất là ở vùng đất cần gieo cấy sớm nhằm tránh lụt tiểu mãn và các loại sâu bệnh hại cuối vụ (cuốn lá, đục thân, rầy...) mà vẫn cho năng suất cao so với các loại giống khác cùng trà tại địa phương. Thực tế, trong các vụ sản xuất đông xuân vừa qua, các địa phương gieo cấy giống lúa TH3-7 chủ yếu bố trí ở trà xuân sớm. Ông Quách Nho Đĩnh, Chủ nhiệm HTX Đức Long (Nho Quan) cho biết: Vụ lúa đông xuân 2015, HTX gieo cấy được 520 ha, trong đó có 270 ha lúa ngoài đê. Với giống lúa TH3-7 đã được đưa vào đồng ruộng Đức Long qua 4 vụ sản xuất với kết quả khá tốt, nhất là ở vụ xuân. Vụ đông xuân 2015, toàn HTX có 55 ha lúa là giống TH3-7 và được bố trí chủ yếu ở trà xuân sớm. Riêng vùng lúa ngoài đê, HTX có 270 ha, trong đó đã có hơn 20 ha là giống TH3-7. Năng suất bình quân của giống TH3-7 tại HTX ước đạt 73 tạ/ha.
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, Viện Nghiên cứu phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (tác giả của giống lúa này), trong một lần về kiểm tra tình hình sản xuất giống TH3-7 trên địa bàn tỉnh cho biết: TH3-7 là giống lúa lai 2 dòng. Cả 2 dòng bố và mẹ đều được chọn tạo ở Việt Nam với dòng mẹ là giống T1S-96BB được lai quy tụ gen kháng bệnh bạc lá; dòng bố được lai quy tụ gen thơm. TH3-7 là giống cảm ôn có thời gian sinh trưởng trung bình ở vụ mùa từ 125-130 ngày, vụ xuân từ 135-140 ngày; năng suất khoảng từ 6-8 tấn/ha; chất lượng gạo khá (hạt gạo thon dài, ít bạc bụng, mùi thơm nhẹ, hàm lượng Amylose 24%, Protein 8,6%...). Kết quả sản xuất tử nghiệm tại Ninh Bình đã cho thấy tiềm năng năng suất của giống; mở ra khả năng đưa vào sản xuất đại trà và giảm áp lực về giống lúa lai (chủ yếu nhập ngoại) cho các vụ sản xuất. Điều đặc biệt ở Ninh Bình là giống được bố trí ở trà xuân sớm mà vẫn cho năng suất cao và có thể bố trí giống vào các vùng đất trũng, đất ngoài đê, ven sông, đất 1 vụ lúa... vốn có nhiều ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư nhằm thu hoạch sớm tránh lụt tiểu mãn và sâu bệnh.
Đinh Chúc