Hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp
Đến xã Quỳnh Lưu (Nho Quan) vào một ngày đầu thu, những con đường, ngôi trường, nếp nhà khang trang, hiện đại bừng lên trong nắng làm nên bức tranh tươi mới cho vùng quê cách mạng.
Là xã miền núi, địa hình phức tạp, địa bàn rộng lại nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ của huyện Nho Quan, bước vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, Quỳnh Lưu gặp rất nhiều khó khăn, hệ thống cơ sở hạ tầng, khu trung tâm xã, trường học, trạm y tế, đường giao thông được xây dựng từ nhiều năm trước, đa phần đã xuống cấp.
Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lưu, Phạm Ngọc Hoan cho biết: Xác định rõ công tác xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá trong xây dựng NTM, Quỳnh Lưu đã tập trung huy động mọi nguồn lực, khuyến khích sức dân phù hợp với khả năng tham gia làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng, xây mới, sửa chữa nhà văn hóa…
5 năm qua, ngoài 68 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, 36 tỷ đồng vốn vay, địa phương đã huy động sức dân và sự đóng góp của các doanh nghiệp với số tiền hơn 126 tỷ đồng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Đặc biệt, phong trào làm đường giao thông nông thôn được đông đảo cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhiều gia đình đã chặt cây, phá cổng, dỡ tường rào mở rộng mặt đường theo quy hoạch và đề án được duyệt. Trong quá trình xây dựng NTM, toàn xã đã làm mới và nâng cấp được 159 tuyến đường với tổng chiều dài trên 27 km. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, trường học… cũng được đầu tư nâng cấp. Diện mạo quê hương thay đổi, đường sá to đẹp, đi lại, sản xuất thuận lợi nên người dân rất hài lòng, phấn khởi. | - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, dự kiến đến hết năm 2015, Ninh Bình huy động được tổng kinh phí trên 11.276 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó nguồn vốn ngân sách là 3.137 tỷ đồng, nguồn vốn từ cộng đồng dân cư đạt 4.956 tỷ đồng, còn lại là vốn tín dụng, vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. - Toàn tỉnh đã cấp 109.405 tấn xi măng, làm được trên 7.743 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài trên 871 km. - Đến nay đã có 71/119 xã đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa với diện tích thực hiện trên 26.400 ha, bình quân 1,9 thửa/hộ. - Ước đến hết năm 2015, Ninh Bình sẽ có trên 30 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 28,6%); 2 xã đạt từ 15-18 tiêu chí NTM (chiếm 1,7%); 33 xã đạt từ 10-14 tiêu chí (chiếm 27,7%); 50 xã đạt từ 5-9 tiêu chí (chiếm 42%); toàn tỉnh không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân mỗi xã đạt 12 tiêu chí. |
Xác định phát triển trước hết về cơ sở hạ tầng mới kéo theo các lĩnh vực khác nên 5 năm qua, tỉnh ta đã tập trung mạnh và có những cách làm sáng tạo trong xây dựng hạ tầng nông thôn. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", việc bê tông hóa giao thông nông thôn ở Ninh Bình không những đảm bảo về mặt tiến độ mà còn mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua chương trình này, 119/119 xã trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã, đa phần các đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Dự kiến đến hết năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 77/119 xã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông.
Cũng trong tổng thể của chương trình xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình nước sạch sinh hoạt, nhà văn hóa, sân vận động xã; kiên cố hóa trường học, trạm y tế, quy hoạch nghĩa trang, bãi tập kết rác thải…
Nông thôn Ninh Bình đã thực sự "thay da đổi thịt" với hệ thống giao thông nông thôn thông suốt, cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống trường học… khang trang, sạch đẹp.
Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập
Tại xã Yên Thắng (huyện Yên Mô), vụ mùa này trên những cánh đồng không chỉ có cây lúa mà còn có những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, những ruộng rau xanh mướt, ruộng ngô, ruộng lạc đang đến độ thu hoạch... áp dụng mô hình đa canh, dưới ao thả cá, mặt ao làm giàn cho mướp leo, xung quanh bờ thì luân canh rau các loại và một phần diện tích dành để nuôi lợn, gia đình chị Nguyễn Thị Ninh, thôn Khẩn mỗi năm thu về ngót 50 triệu đồng.
Chị Ninh chia sẻ: Trước đây, gần 1 mẫu ruộng gia đình chỉ cấy lúa, thu nhập hàng năm không ổn định, có năm ngập úng mất mùa, hầu như không có lãi.
Từ năm 2011, được sự hỗ trợ của UBND xã, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi hầu hết diện tích cấy lúa sang trồng rau, mỗi sào thu lãi cả chục triệu đồng.
Ông Đỗ Đình úy, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thắng cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng NTM, UBND xã đã tổ chức thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất.
Quy hoạch vùng trồng rau chuyên canh khoảng 20 ha tại khu vực thôn Vân Thượng, Vân Hạ; chuyển đổi 100 ha cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá…
Kết quả, trên địa bàn xã đã hình thành trên 30 mô hình sản xuất có hiệu quả với trên 200 hộ đang áp dụng như: mô hình chuyên canh rau, mô hình đa canh, mô hình nuôi cá lóc bông, mô hình nuôi ếch, chim bồ câu…
Yên Thắng trở thành một trong những xã có phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi điển hình của huyện Yên Mô.
Hiện nay, thu nhập bình quân trên diện tích canh tác của Yên Thắng đạt khoảng 100 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người khoảng 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,5%.
Nhiệm vụ xây dựng NTM xác định lấy phương châm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu chính, tạo nền tảng xây dựng NTM bền vững.
Do vậy trong thời gian qua, không chỉ xã Yên Thắng mà tất cả các đơn vị khác trong tỉnh đã chú trọng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, tăng cường liên kết và nhân rộng các mô hình có giá trị kinh tế cao.
Các địa phương ở 3 khu vực (miền núi, đồng bằng, vùng biển) đã phát huy thế mạnh của mình, biến khó khăn thành thuận lợi, biến thuận lợi thành hiện thực trong việc xây dựng mô hình sản xuất và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất.
Vùng biển Kim Sơn có mô hình nuôi tôm thâm canh tại xã Kim Đông, vùng núi Nho Quan thì chọn xã Yên Quang để xây dựng mô hình trồng cây khoai sọ, vùng xã Gia Sinh (Gia Viễn) phát triển mô hình gà thả vườn.
Tại Yên Khánh có mô hình sản xuất rau màu gắn với tiêu thụ ở xóm 13 xã Khánh Thành, mô hình thí điểm chăn nuôi một số loài thủy cầm hoang dã đã được thuần hóa tại xã Khánh An…
Chính điều này tạo cơ sở tiền đề duy trì tăng trưởng sản xuất nông nghiệp khá cao trong thời gian qua, đồng thời là cơ sở quan trọng quyết định nâng cao đời sống người dân nông thôn.
Tăng cường liên kết, tạo sức hút trong nông nghiệp
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nhưng quá trình xây dựng NTM tỉnh ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Công tác dồn điền, đổi thửa một số nơi triển khai chậm. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, xây dựng mô hình và tổng kết nhân rộng phát triển sản xuất còn ít.
Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều. Hình thức liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với người sản xuất đã có một số mô hình tốt nhưng chưa được nhân rộng, chưa phổ biến, sản phẩm làm ra vẫn chủ yếu xuất thô, giá trị gia tăng còn thấp, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.
Hạ tầng kinh tế - xã hội ở một số địa phương còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ. Một số tiêu chí đạt thấp, việc tiếp tục thực hiện và hoàn thiện tiêu chí đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn trong khi việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, với các tiêu chí cần ít vốn, dễ thực hiện hơn như gia đình văn hóa, an ninh trật tự… lại có tính biến động cao và dễ "vuột mất" nếu địa phương không làm tốt công tác quản lý.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, thời gian tới các địa phương cần tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng NTM một cách sáng tạo, chủ động, phát huy tốt vai trò của người dân.
Tăng cường việc xã hội hóa trong đầu tư các công trình cấp nước sạch, chợ, công trình thu gom, xử lý rác thải và một số công trình công ích khác, nhất là đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
Trong việc tổ chức sản xuất, cần chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện, thế mạnh của địa phương, khuyến khích ứng dụng KHCN, cơ giới hóa nhằm giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác.
Các địa phương cũng cần nhân rộng, học tập các mô hình sản xuất mới đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đặc biệt là các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hình thức liên kết chuỗi giá trị sản xuất từ chế biến đến tiêu thụ.
Hà Phương