Xuất hiện những mô hình Tại làng hoa Ninh Phúc, nơi cung cấp lượng hoa lớn nhất ra thị trường vào dịp lễ, tết của tỉnh, người nông dân đã bắt đầu làm theo định hướng và nhu cầu thị trường, tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Tiên phong là hộ anh Vũ Văn Nga đã xây dựng thành công mô hình nhà lưới kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt để trồng hoa hồng, hoa đồng tiền, hoa ly...
Chia sẻ về mô hình, anh Nga phấn khởi cho biết: Cách đây 3 năm, qua tìm hiểu sách, báo, trên các phương tiện thông tin truyền thông và tham quan thực tế mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho hoa, thấy rằng đây là công nghệ mới có rất nhiều ưu điểm mà chi phí không quá cao, anh quyết định đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt trên giá thể cho 450 m2 trồng hoa hồng. Hệ thống tưới nhỏ giọt có 3 bộ phận: Máy bơm, hệ thống ống chính và hệ thống ống nhánh rẽ nhỏ giọt cắm trực tiếp vào giá thể.
Qua hơn 3 năm áp dụng, mô hình tưới nhỏ giọt thật sự rất hiệu quả, không những giảm công lao động, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ mà còn giảm thiểu được lượng nước thất thoát, giúp đất tơi xốp và giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Theo tính toán, nếu như dùng vòi bơm tưới trên bề mặt thì mỗi ngày gia đình anh Nga sử dụng hết 10 khối nước, nhưng sử dụng tưới nhỏ giọt chỉ hết hơn 1 khối nước và thời gian bơm chỉ hết 5 phút/ngày. Với hiệu quả mô hình mang lại, năm 2018 gia đình anh Nga tiếp tục mở rộng thêm 900 m2 ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên giá thể trong trồng hoa.
Hiện toàn bộ diện tích đã cơ bản hoàn thành các công đoạn lắp đặt và đang trong quá trình trồng hoa đồng tiền phục vụ Tết Nguyên đán năm nay. "Tưới nhỏ giọt là một trong những giải pháp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp với nhiều ưu điểm, chi phí lắp đầu tư không quá cao nên không chỉ doanh nghiệp, HTX mà cả các hộ nông dân có thể áp dụng và nhân rộng" - anh Nga nói.
Cũng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nhưng mô hình sản xuất rau an toàn của anh Lê Văn Tiên, xã Gia Phương còn lắp đặt thêm hệ thống nông nghiệp thông minh, sử dụng cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và tự động điều khiển máy bơm hoạt động theo nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Ngoài cơ chế tự động, hệ thống có thể cài đặt theo cơ chế điều khiển máy bơm tưới bằng điện thoại thông minh. Tức là chỉ cần có kết nối Internet thì ở bất cứ nơi đâu, bất kỳ thời gian nào anh Tiên cũng có thể điều khiển hệ thống tự động tưới đồng loạt cho cây trồng. Điều đó rất thuận tiện cho người sản xuất khi có công việc bận không thể trực tiếp ra đồng ruộng.
Theo anh Tiên, sau một thời gian áp dụng, hệ thống tưới nhỏ giọt sử dụng công nghệ hiện đại đã thể hiện được rất nhiều ưu điểm, phù hợp với xu hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung như: Tiết kiệm được 70% khối lượng nước so với cách tưới truyền thống; giảm được 90% sức lao động; chi phí rẻ hơn rất nhiều nếu tính về mặt lâu dài.
Cùng với tiết kiệm nhân công, tiết kiệm nước, hệ thống tưới nhỏ giọt không tạo thành dòng chảy nên tránh trường hợp xói mòn đất, giảm đáng kể bệnh thối rễ ở cây, hạn chế lây lan dịch bệnh, giúp cây không bị cháy lá, phát triển đều trong thời tiết khắc nghiệt và thiếu nước.
Đặc biệt, đối với cây trồng ra hoa, quả nếu tưới phun trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả, nhưng áp dụng tưới nhỏ giọt khắc phục được những hạn chế, nâng cao hiệu quả sản xuất của cây trồng. Hiện hơn 2 mẫu đất của gia đình anh Tiên đang áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên mặt luống và quay vòng liên tục với các loại cây trồng chính như: dưa, cà chua, các loại rau ăn lá... Mô hình sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ cao của gia đình anh Tiên đang phát huy hiệu quả tốt, sản phẩm được khách hàng tin dùng, mỗi năm doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng.
Nhân rộng ra đại trà
Đánh giá về ưu điểm, hiệu quả ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây trồng, ông Phạm Đăng Nam, Phó giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Trước đây, người nông dân thường sử dụng cách tưới tràn, tức dùng máy bơm có ống dẫn tưới hoặc tưới thủ công, tưới trực tiếp trên bề mặt.
Với cách làm này không chỉ gây lãng phí nước, còn tốn nhiều công lao động nhưng hiệu quả kinh tế đạt thấp. Nhằm đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng, những năm gần đây các doanh nghiệp, HTX, người nông dân trên địa bàn tỉnh ta đã đầu tư nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, trong đó có công nghệ tưới nhỏ giọt đã và đang được coi là giải pháp hữu hiệu trong sản xuất nông nghiệp.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có gần 70 mô hình sản xuất nông nghiệp áp công nghệ tưới nước tiết kiệm (bao gồm tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, tưới phun rãnh) và hiệu quả nhất vẫn là tưới nhỏ giọt cho cây trồng. Tưới nhỏ giọt có nhiều cách thức áp dụng như: Tưới quấn quanh gốc đối với cây ăn quả, tưới trên giá thể cho hoa và dưa, tưới nhỏ giọt trên mặt luống cho rau, củ… Kinh phí lắp hệ thống tưới nhỏ giọt dao động từ 30 đến 70 triệu đồng/1 ha.
Nếu như tưới nước theo cách truyền thống làm lãng phí nước, gây xói mòn đất thì công nghệ tưới nhỏ giọt là tưới vừa đúng với nhu cầu nước của cây trồng, không có lượng nước thừa cũng như tổn thất trong quá trình tưới. Phương pháp tưới này cũng cho phép thực hiện ở rất nhiều địa hình, phù hợp với mọi loại cây, do nó ít phụ thuộc vào các yếu tố địa hình, thành phần đất.
Ngoài ra, công nghệ này còn cho phép người nông dân có thể kết hợp với bón phân qua hệ thống, giúp kiểm soát lượng phân bón thích hợp theo đúng tỉ lệ, giúp cây sinh trưởng nhanh, tăng năng suất cây trồng.
Có thể khẳng định ứng dụng công nghệ cao là chủ trương, hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt mang lại hiệu quả rất rõ rệt, giảm chi phí, giảm nhân công cho bà con nông dân. Tuy nhiên, hiện nay việc nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn chậm.
Ông Phạm Đăng Nam, Phó giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho rằng, mở rộng diện tích tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt có ý nghĩa rất lớn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, do vậy các cấp, các ngành, nhất là ngành nông nghiệp cần thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 37 của HĐND tỉnh về "Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình".
Trọng tâm là tập trung tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp, trong đó có công nghệ tưới nhỏ giọt, để bà con thấy được lợi ích hiệu quả và đẩy mạnh ứng dụng trong sản xuất. Khuyến khích xây dựng các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, nhất là tại những vùng khó khăn về nước để đánh giá và nhân ra diện rộng.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhất là khó khăn về vốn để người sản xuất được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi về ứng dụng công nghệ cao.
Như vậy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp nông dân tiết kiệm nguồn tài nguyên nước mà còn giảm sức lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng cây trồng và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị.
Bài, ảnh: Hồng Giang