Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 21-KL/TU ngày 17-7-2014 "Về tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng", Ban Thường vụ các huyện, thành ủy đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai đến các cấp ủy trực thuộc và cán bộ, đảng viên trong đảng bộ bảo đảm kịp thời, nghiêm túc. Thông qua việc quán triệt, triển khai, các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của tổ chức đảng trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; thực trạng năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, từ đó tạo sự thống nhất cao trong việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Ban thường vụ các huyện, thành ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: các quy định, đề án, kế hoạch, công văn, hướng dẫn để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Một trong những nội dung quan trọng trong Kết luận 21 đề cập khá chi tiết là nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, sinh hoạt chuyên đề; công tác quản lý, phân công, giao nhiệm vụ cho cấp ủy viên, đảng viên; việc xét, miễn công tác và sinh hoạt đảng đối với đảng viên. Nhận thức ý nghĩa quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, ban thường vụ các huyện, thành ủy đã có nhiều giải pháp tập trung chỉ đạo việc đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ như: Thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng; nội dung sinh hoạt chi bộ đã bám sát Hướng dẫn số 09 của Ban Tổ chức Trung ương, gắn nội dung sinh hoạt với việc đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề có nhiều đổi mới, tập trung vào những vấn đề cụ thể, thiết thực như các giải pháp về xây dựng nông thôn mới, dồn điền, đổi thửa, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giúp đỡ hộ nghèo, xây dựng thôn, khu phố văn hóa, chi bộ trong sạch, vững mạnh; đồng thời tăng cường trách nhiệm của chi ủy và bí thư chi bộ trong việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ…Do vậy, chất lượng sinh hoạt chi bộ đã từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Một số đơn vị có nhiều đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề như: Huyện Yên Khánh, thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp.
Công tác quản lý đảng viên, nhất là quản lý đảng viên đi làm ăn xa và việc phân công, giao nhiệm vụ cho đảng viên được các cấp ủy quan tâm, bảo đảm mọi đảng viên trong chi bộ đều được phân công nhiệm vụ phù hợp, một công việc cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng đảng viên. Nhiều chi bộ đã có giải pháp, cách làm cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực như: phân công đảng viên phụ trách các nhóm hộ, chịu trách nhiệm trên từng lĩnh vực, giữ vai trò nòng cốt trong các phong trào quần chúng, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Thông qua đó, việc đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm có căn cứ cụ thể, kết quả xếp loại gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ do chi bộ phân công.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, việc đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đối với cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới được các cấp ủy chú trọng từ việc thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt Đảng; đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện việc phân công cấp ủy viên cấp trên định kỳ về dự sinh hoạt cấp ủy cấp dưới, nhất là sinh hoạt với chi bộ thôn, xóm, phố; thường xuyên sâu sát, nắm bắt tình hình cơ sở, tập trung giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp phát sinh; khắc phục nghiêm túc những hạn chế, yếu kém sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), gắn với việc thực hiện Quy định số 765 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã giữ vững lập trường, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; tích cực rèn luyện, không để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của bản thân để trục lợi; gương mẫu chấp hành và tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định, hương ước, quy ước ở khu dân cư; tạo được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền cơ sở. Thực hiện Quy định về lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân theo Quyết định số 1248 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban thường vụ các huyện, thành ủy đã tổ chức việc đối thoại với nhiều hình thức hiệu quả như: Đối thoại giữa thường trực huyện ủy với bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm, với chi hội trưởng chi hội phụ nữ, với bí thư, phó bí thư đoàn cấp xã; đối thoại với nhân dân về việc đền bù, giải phóng mặt bằng triển khai các dự án; đối thoại với nhân dân ở những nơi có những vấn đề bức xúc; thực hiện việc phân công các đồng chí Phó bí thư Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Trưởng các ban xây dựng Đảng của huyện tham gia tiếp công dân định kỳ…, thông qua đó đã nắm bắt và giải quyết kịp thời, dứt điểm nhiều vấn đề nổi cộm, phức tạp phát sinh ngay từ cơ sở và những ý kiến, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Căn cứ theo những nội dung của Kết luận 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, dựa trên quy định của Điều lệ Đảng, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 và kế thừa, rút kinh nghiệm từ Quy chế làm việc của cấp ủy khóa trước, đến nay 100% cấp ủy đã xây dựng xong Quy chế làm việc của ban chấp hành, Chương trình công tác toàn khóa và phân công nhiệm vụ cho các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành đảng bộ phụ trách các ngành, lĩnh vực và các đảng bộ, chi bộ trực thuộc; một số đơn vị đã sớm thành lập các Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình đã đề ra trong Chương trình công tác toàn khóa để tổ chức thực hiện Nghị quyết đại hội, như: Huyện ủy Gia Viễn, Huyện ủy Yên Mô. Riêng Thành ủy Ninh Bình không ban hành Chương trình công tác toàn khóa mà xây dựng 6 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố trên các lĩnh vực.
Công tác phát triển Đảng, việc thực hiện giao ban cụm cấp xã; phân công đảng viên chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn về dự sinh hoạt với chi bộ thôn, xóm, phố cũng được triển khai theo tinh thần Kết luận 21 và có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Có thể nói, Kết luận số 21-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "Về tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng" bước đầu đã đi vào cuộc sống. Đây là một quyết nghị xuất phát từ thực tiễn cuộc sống của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đã được hiện thực hóa, trở nên sinh động, có tác dụng tích cực đến sự phát triển của địa phương chứ không chỉ là những văn bản trên giấy tờ. Quá trình thực hiện những nội dung của Kết luận 21 vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề từ thực tiễn đang đặt ra đòi hỏi thế hệ lãnh đạo mới của nhiệm kỳ này một tầm nhìn mới, một tư duy mới nhưng tin rằng đây sẽ là một trong những kim chỉ nam cho công tác xây dựng Đảng tại các đảng bộ, chi bộ trong toàn tỉnh.
Thùy Phương