Tìm cách thoát nghèo
Anh Trần Văn Linh kể lại: "Vợ chồng tôi có 3 đứa con đang tuổi đến trường. Để có tiền cho các cháu ăn, học thì không thể trông chờ vào 4 sào ruộng. Đầu năm 2003, tôi cùng vài người trong thôn đi Quảng Ninh làm thuê, mỗi tháng được 700.000 đồng. Trừ các khoản ăn, ở, sinh hoạt… cũng dư được vài trăm nghìn đồng gửi về nhà. Nhưng rồi lượng lao động từ nông thôn tràn ra đây ngày càng đông. Thời buổi "người khôn, của khó", nên kiếm được việc làm không còn dễ như trước nữa. Thêm vào đó, giá cả sinh hoạt lại tăng cao, tiền làm đến đâu hết đến đó. Suy đi, tính lại tôi quyết định khăn gói về quê". Về quê, anh Linh bàn với vợ đầu tư nuôi cá lồng. Ban đầu việc nuôi cá lồng khá hấp dẫn: Đầu tư cho sản xuất không lớn; giá thành con giống rẻ, phương thức nuôi lại đơn giản vì nguồn thức ăn cho cá được tận thu từ thiên nhiên… Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cá ngày một nhiều. Các hộ nuôi thắng lợi ngay trong mùa thu hoạch đầu tiên, bởi khi ấy cá lồng bán được giá. Trừ các khoản chi phí, mỗi lồng cá cũng lãi được 8 triệu đồng/vụ. Hơn thế, các hộ nuôi lại khá nhàn, không phải tìm đầu ra bởi thương lái trong và ngoài tỉnh về tận nơi thu mua.
Từ kết quả đạt được, người dân đua nhau nuôi cá lồng. Ban đầu, chỉ là vài lồng cá nuôi thí điểm, đến năm 2005, số lồng cá đã tăng vọt lên hơn 300 lồng. Nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang", anh Linh nhớ lại: "Năm 2005, là năm đầy vận hạn cho nghề này. Ngay từ đầu năm, người nuôi cá đã phải "đánh vật" với dịch bệnh của cá! Cá giống vừa nhập về đang khỏe mạnh, đùng một cái mắc bệnh chết hàng loạt, không rõ nguyên nhân. Giữa năm, cá lại mắc thêm bệnh "ghẻ", rồi bệnh "còi" (theo cách gọi của người dân). Nhiều hộ nuôi mất trắng, chỉ còn lại "đống nợ" mà chưa biết phải trả bằng cách nào".
Làm giàu từ nghề vận tải thủy
Nuôi cá thất bại, người dân nơi đây lại xoay sở tìm cách làm ăn khác. Anh Nguyễn Văn Kiển cho biết: "Vụ cá thất bại, tôi còn nợ ngân hàng 15 triệu đồng, lãi mẹ đẻ lãi con, chẳng biết khi nào mới trả hết nợ. Nhiều đêm tôi thức trắng để nghĩ cách làm ăn. Mình là dân sông nước, nên phải "bám" vào đó mà sống thôi". Nghĩ là làm, anh Kiển mạnh dạn vay thêm tiền của anh, em mua một chiếc thuyền nhỏ để chở khách du lịch. Những hôm vắng khách, anh đi thả lưới ở sông. Mỗi ngày cũng được vài chục nghìn, có ngày được cả trăm nghìn. "Tích tiểu thành đại", cuộc sống của anh cũng dần được cải thiện. Hơn một năm sau, không những anh trả hết nợ ngân hàng, mà còn có chút vốn. Anh Kiển vay thêm tiền mua chiếc thuyền xi măng gắn máy trọng tải 90 tấn, chuyên chở vật liệu xây dựng phục vụ các công trình xây dựng cầu đường và các chủ lò sản xuất vôi, gạch. Quá trình làm ăn hạch toán kinh doanh thấy có lãi, hơn nữa nhận thấy phương tiện nhỏ mang lại hiệu quả thấp, lại không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nên anh Kiển đã nhiều lần nâng cấp phương tiện lên trọng tải lớn hơn. Đến nay, anh đang đặt đóng con tàu trọng tải 600 tấn để vận chuyển hàng hóa.
Số hộ đóng được tàu trọng tải lớn như anh Kiển không còn hiếm thấy ở thôn Kênh Gà nữa. Hiện, toàn thôn có 146 tàu trọng tải từ 100-600 tấn, ngoài ra còn nhiều tàu trọng tải dưới 100 tấn.
Chỉ vào con tàu trọng tải 25 tấn, anh Vũ Ngọc Hải vui vẻ: "Cần câu cơm" của gia đình tôi đấy. Tôi mới đóng con tàu này được 3 tháng. Chi phí cả thảy hết 150 triệu đồng. Tàu nhỏ, nên tôi chỉ chạy tuyến gần như: Hà Nam, Thái Bình, Phú Thọ. Mỗi tháng, tôi chạy khoảng 6 chuyến. Trừ mọi chi phí, mỗi chuyến tôi thu được vài triệu đồng. Nếu thuận lợi thì chỉ một năm là tôi hoàn vốn. Một mình làm không xuể, tôi đang tính thuê thêm người. Vợ tôi thì phải ở nhà để chăm lo cho con cái học hành".
Nhận thấy nhu cầu đóng tàu của người dân ngày càng lớn, lại sẵn có mặt bằng, UBND xã đã kêu gọi các doanh nghiệp đóng tàu về đầu tư, mở xưởng tại địa phương. Sau nhiều lần khảo sát, đầu năm 2007, một chủ doanh nghiệp đóng tàu đã quyết định mở chi nhánh công ty tại địa phương. Ông Lương Ngọc Hiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Trước đây, người dân phải ra Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình… để đặt đóng tàu. Đi lại vừa khó khăn, vừa nảy sinh nhiều chi phí. Nhưng nay có doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn, người dân thuận lợi hơn trong việc đặt hàng. Mặt khác, doanh nghiệp hoạt động sẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương". Hiện nay, gần 40 lao động có tay nghề ở địa phương được nhận vào làm trong doanh nghiệp với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng.
Em Nguyễn Văn Bình cho biết: "Em đang học nghề hàn tại trường dạy nghề Lilama. Hè vừa rồi về quê, em xin vào làm thêm ở xưởng đóng tàu, với mức lương 40.000 đồng/ngày. Vậy là, vừa có tiền, lại vừa có cơ hội thực tế nâng cao tay nghề". Từ nghề vận tải thủy, đời sống người dân được cải thiện rõ nét, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên. Hết năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm xuống còn 16%. Con số này chắc chắn sẽ tiếp tục giảm trong năm nay và những năm tiếp theo.
Thu Hằng - Phạm Trường