Ông Lê Hữu Báu, Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình cho biết: Ngay sau khi có văn bản 295 của NHCSXH chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, đồng thời tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua các tổ TK&VV. Việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ TK&VV được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Để triển khai, NHCSXH tỉnh đã quán triệt mục đích huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo, nhằm từng bước tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo vốn tự có, quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính, đồng thời tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Tổ chức việc tập huấn cho cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội làm ủy thác, Ban giảm nghèo cấp xã, cán bộ ngân hàng và 100% tổ TK&VV trên địa bàn. Bên cạnh việc tập huấn và cấp phát tài liệu hướng dẫn, NHCSXH chi nhánh tỉnh còn trực tiếp làm mẫu, làm thử để mọi người có thể tự thao tác, theo phương châm "cầm tay chỉ việc" đối với các tổ trưởng tổ TK&VV. Những vướng mắc phát sinh trong ghi chép sổ, phiếu thu... ngân hàng cùng các tổ chức chính trị - xã hội giải đáp ngay cho các Tổ trưởng và các hội viên gửi tiền tiết kiệm. NHCSXH tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội cấp xã để đánh giá, phân loại Tổ, lựa chọn những tổ TK&VV đủ điều kiện, đủ tiêu chí để ủy nhiệm thu tiết kiệm. Với những tổ đủ điều kiện ủy nhiệm thu tiết kiệm, Ngân hàng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo tổ chức họp tổ, phổ biến nội dung, bàn bạc thống nhất về việc gửi tiết kiệm và mức tiền gửi để ghi vào Quy ước hoạt động của tổ. Mức tiền gửi tiết kiệm, thời gian gửi ở các tổ TK&VV khác nhau, tùy theo quy ước ở các tổ với nhau, nhưng tất cả đều phải được công khai với người dân. Với những nỗ lực tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến các huyện, xã, thôn chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo đã có những kết quả đáng khích lệ. Toàn tỉnh có 2.684/2.714 tổ TK&VV được ủy nhiệm huy động tiền gửi tiết kiệm, trong đó có 2.536 tổ đã huy động tiết kiệm cộng đồng người nghèo với tổng số tiền gửi đến 30-4-2011 là 9 tỷ 852 triệu đồng. Với số tiền gửi mỗi tháng của các thành viên được các tổ đưa vào quy ước thực hiện tuy chưa cao, nhưng đã từng bước tạo thói quen tiết kiệm gắn với trách nhiệm và hiệu quả sử dụng vốn, góp phần thực hiện ngày càng hiệu quả mục tiêu mở rộng nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội và Ban giảm nghèo các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về thực hiện chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm, để nhân dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa của việc huy động tiền gửi là giúp cho người nghèo tạo lập dần nguồn vốn của gia đình thông qua gửi tiết kiệm. Đối với những tổ TK&VV hoạt động yếu kém, chưa đủ điều kiện triển khai huy động tiết kiệm tiếp tục chấn chỉnh, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, kiện toàn Ban quản lý tổ, lựa chọn người có khả năng quản lý, biết tính toán, ghi chép, lưu giữ sổ sách làm tổ trưởng để đảm bảo tất cả các tổ TK&VV đều thực hiện được nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên.
Hương Giang