Trong nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh ta đặc biệt chú trọng tới công tác giảm nghèo bền vững. Năm 2017, công tác giảm nghèo tiếp tục được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng và ban hành Nghị quyết giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, từ đó, đưa ra các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo cụ thể.
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, tỉnh ta đã tập trung làm tốt công tác rà soát hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân nghèo và đưa ra các giải pháp phù hợp giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo. Qua khảo sát, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kiến thức làm ăn, thiếu vốn và thiếu nghề. Từ đây, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền vể công tác giảm nghèo, giới thiệu các mô hình giảm nghèo hiệu quả, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhân dân về công tác giảm nghèo.
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan xây dựng Đề án đổi tên, sáp nhập 8 Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND cấp huyện; tổ chức tiếp nhận, bàn giao chức năng quản lý giáo dục nghề nghiệp từ Sở Giáo dục và Đào tạo. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 36 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề từng bước được quan tâm đầu tư, tập trung vào các nghề trọng điểm, gắn với thị trường… Với nỗ lực đó, trong năm 2017, tỉnh ta đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 17.100 người, đạt 100% kế hoạch năm, đưa tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 46%.
Đặc biệt, năm nay tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, đúng hướng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, góp phần tạo nhiều việc làm mới và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Tỉnh ta cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề như: Dự án dạy nghề cho lao động nông thôn; dự án vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm; dự án phát triển thị trường lao động… được các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ. Mặt khác, để người lao động dễ dàng tiếp cận với các doanh nghiệp, hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, giúp đưa thông tin về nhu cầu tuyển lao động của các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển lao động. Trong năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức thành công 12 phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng với 342 lượt đơn vị tham gia, có 33.121 lượt chỉ tiêu tuyển dụng, 2 cuộc tư vấn, giới thiệu việc làm lưu động tại địa phương; 1 hội nghị tư vấn kỹ năng tìm kiếm việc làm và phỏng vấn tuyển dụng, 1 phiên giao dịch việc làm chuyên đề "Du lịch - Khách sạn - Nhà hàng". Kết quả đã tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách, pháp luật lao động cho 15.509 người; giới thiệu việc làm cho 1.096 người, trong đó có 652 người được tuyển dụng, nâng tổng số lao động được giải quyết việc làm lên trên 20.000 lao động (vượt 3,1% kế hoạch năm), có 1.000 người đi xuất khẩu lao động (đạt 100% kế hoạch năm).
Nhằm tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên, chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay hộ nghèo đã được thực hiện đến 100% các xã. Trong năm, Ngân hàng CSXH triển khai 10 chương trình tín dụng ưu đãi liên quan đến giảm nghèo với tổng doanh số cho vay ước đạt 500 tỷ đồng, cho 21.215 lượt hộ vay; 3.640 lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, đóng góp với kinh phí 1,476 tỷ đồng; trên 76 ngàn lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện với tổng kinh phí 14,121 tỷ đồng; có 216.497 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân vùng đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình được cấp thẻ BHYT với tổng kinh phí trên 57,4 tỷ đồng.
Cùng với công tác giảm nghèo, công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công; bảo trợ xã hội… cũng được tỉnh quan tâm thực hiện đầy đủ, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân. Nhờ thực hiện tốt việc xác nhận đối tượng và giải quyết chính sách người có công nên tỉnh Ninh Bình không có hồ sơ tồn đọng. Tỉnh đã duy trì thực hiện chính sách ưu đãi cho 24.528 lượt đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, trên 2.800 lượt đối đượng hưởng ưu đãi giáo dục đào tạo, trên 35.000 đối tượng hưởng ưu đãi BHYT do ngân sách Trung ương cấp và trên 50.000 đối tượng do ngân sách địa phương cấp. Cũng trong năm 2017, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu và chỉ đạo tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có công và thân nhân của họ nhân dịp Lễ, Tết, ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7 với 121.162 suất quà, trị giá trên 24,6 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà tình nghĩa cho 54 hộ gia đình chính sách với số tiền trị giá trên 3.473 triệu đồng; thực hiện 11.483 định suất điều dưỡng cho người có công. Trong năm, ngành cũng đã phối hợp tham mưu và vận động đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội" đạt trên 46,8 tỷ đồng, trong đó Quỹ cấp tỉnh đã thu được 25 tỷ đồng...
Đào Hằng