Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư những ngày gần đến lễ hội khá quang đãng, sạch đẹp. Với những người đã và đang công tác tại Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, mỗi dịp lễ hội là một lần được sống trong không khí ngập tràn của lịch sử, của truyền thống dân tộc. Và họ chính là những người khơi gợi lên hào khí dân tộc, niềm tự tôn, tự hào về truyền thống của quê hương đến khách du lịch và người dân trong tỉnh thông qua việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Với đội ngũ hướng dẫn viên, ngoài việc hướng dẫn, giới thiệu về di tích, họ còn sưu tầm tài liệu, sách báo… để trau dồi thêm kiến thức, sự hiểu biết để đem đến cho du khách những câu chuyện lịch sử thú vị.
Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Trung tâm được biết thêm: Cùng với việc duy trì mở cửa Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư để chào đón du khách thập phương đến thăm quan, chiêm bái, chuẩn bị cho lễ hội truyền thống, Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư còn triển khai nhiều nội dung công việc nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu được tham gia lễ hội cổ truyền.
Trung tâm đã phân công cán bộ, công nhân viên triển khai dọn dẹp vệ sinh môi trường ở khu vực trong và ngoài đền, khu vực diễn ra lễ hội nhằm đảm bảo môi trường xanh-sạch-đẹp. Tiến hành lau chùi, sửa chữa các đồ lễ, trưng bày đầy đủ các hiện vật cổ để giới thiệu với du khách về dự lễ những hình ảnh ấn tượng nhất, ý nghĩa nhất về 2 triều đại Đinh-Lê…
Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư đã được đầu tư các dự án để tôn tạo, tu bổ nên nhiều hạng mục được thi công đã mang lại diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp hơn, góp phần quan trọng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của khu di tích. Quý I năm nay, lượng khách đến tham quan, chiêm bái khu di tích ước đạt 132.500 lượt người, trong đó khách quốc tế là 21.930 lượt người…
Là địa phương vinh dự có khu di tích lịch sử trên địa bàn, người dân xã Trường Yên cũng khá nô nức hướng về ngày hội với niềm tự hào, trân trọng truyền thống lịch sử của dân tộc.
Những ngày này, nhiều người dân, hội viên các đoàn thể trong xã như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi đang tích cực luyện tập, chuẩn bị các tiết mục, các phần việc được giao với mong muốn góp phần vào thành công của lễ hội.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã: Do là địa phương có khu di tích nên xã Trường Yên nhiều năm qua đã tham gia nhiều nội dung của lễ hội ở cả phần lễ và phần hội.
Từ năm 1983 đến nay, những nghi lễ quan trọng như: lễ mở cửa đền, lễ rước nước đều được người dân địa phương tích cực tham gia và chuẩn bị chu đáo. Để các nội dung của phần lễ diễn ra theo đúng các nghi lễ mỗi mùa lễ hội, xã đã huy động lực lượng học sinh, hội viên các đoàn thể tham gia luyện tập vào đội hình: cầm cờ, cầm rồng, đồ tế khí, khênh kiệu, đội bát âm…
Về phần hội, xã có 4 đoàn thể là Hội cựu chiến binh, hội nông dân, hội phụ nữ và đoàn thanh niên được giao tham gia thi đấu cờ người, cắm trại, thi chèo thuyền.
Cùng với việc chuẩn vị các nội dung của lễ hội, xã Trường Yên xác định công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông phải được thực hiện tốt nhằm đảm bảo những ngày diễn ra lễ hội an toàn, vui tươi, lành mạnh.
Lực lượng công an xã đã phối hợp với Công an huyện Hoa Lư cùng tham gia đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống tình trạng móc túi, cướp giật, tranh giành khách. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường cũng được xã quan tâm chỉ đạo sát sao.
Với việc thành lập được 3 đội vệ sinh môi trường, hoạt động thu gom rác thải hiện được thực hiện tới tận các ngõ xóm đã góp phần tạo môi trường sạch đẹp khi du khách về với lễ hội. Cứ 3 ngày/lần, các đội vệ sinh môi trường đi thu gom rác thải tại các thôn, xóm về khu tập kết rồi có xe của Công ty Dịch vụ đô thị và môi trường chở vào khu xử lý rác thải tại thị xã Tam Điệp.
Một nội dung quan trọng được xã Trường Yên phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư quan tâm triển khai thực hiện ngay trước lễ hội là việc quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ bán hàng trong khu vực đền vua Đinh, vua Lê.
Mọi năm, hơn 200 hộ tham gia kinh doanh dịch vụ đã tập trung hoạt động trong khu vực diễn ra lễ hội với đủ các mặt hàng, dịch vụ ăn uống, tuy đã đi vào nền nếp nhưng vẫn xảy ra tình trạng ăn xin, chèo kéo khách, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh khu di tích. Năm nay, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, của huyện, tất cả các hộ tham gia kinh doanh, buôn bán đã được thông báo về việc chuyển hết hoạt động ra ngoài khu vực sân lễ hội.
Xã đã chuẩn bị phương án để bố trí chỗ ngồi, cho các hộ dân bốc thăm vị trí bán hàng, xây dựng 2 bãi đỗ xe phục vụ du khách, thành lập tổ chụp ảnh để có sự phân công khu vực chụp cho khoa học, thuận lợi…
Do đó, từ 3 tháng trở lại đây, không còn tình trạng bán hàng trong khu vực đền vua Đinh, vua Lê. Bên cạnh đó, xã đã phối hợp với ngành Du lịch tổ chức các lớp tập huấn về nếp sống văn minh, giao tiếp, ứng xử với du khách cho những hộ gia đình, cá nhân tham gia kinh doanh, dịch vụ khu vực xung quanh khu di tích.
Xã Trường Yên hy vọng, với sự vào cuộc mạnh mẽ và sự đổi mới trong công tác quản lý lễ hội, du khách sẽ cảm thấy vui tươi, phấn khởi và có cái nhìn đẹp hơn về Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư.
Bùi Diệu-Phạm Trường