Tăng trưởng tốp đầu
Với lợi thế tự nhiên sẵn có, nhiều năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng, hiện đạt trên 15 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt trên 11 nghìn ha, diện tích nuôi nước mặn lợ đạt 3.800 ha. Việc mở rộng diện tích cũng như tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh đã góp phần tăng đáng kể sản lượng, giá trị nuôi trồng.
Cụ thể, ở vùng nước mặn lợ, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và siêu thâm canh tiếp tục được mở rộng với nhiều hình thức nuôi mới như: nuôi trong nhà bạt, nuôi trên ao nổi, nuôi nhiều giai đoạn sử dụng công nghệ vi sinh,... đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Đặc biệt, diện tích nuôi siêu thâm canh trong nhà bạt ước đạt khoảng 100 ha. Với hình thức nuôi này, người nông dân có thể nuôi 3-4 vụ/năm thay vì 1-2 vụ như trước, mật độ nuôi, năng suất, sản lượng cũng gấp hàng chục lần so với nuôi quảng canh, 1 ha nuôi tôm trong nhà bạt, nông dân có thể thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh con tôm thì ngao cũng là đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt từ năm 2023 khi ngao của tỉnh ta chính thức được cấp giấy chứng nhận ASC-một tấm “Visa Vip” đưa sản phẩm ngao vươn tới nhiều thị trường khó tính. Nếu như trước kia ngao Kim Sơn chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất bán tiểu ngạch đi Trung Quốc thì nay đã có mặt tại các thị trường khó tính nhất ở châu Âu, Mỹ...
Ngoài ra, ở vùng nước mặn cũng không thể không nhắc tới hoạt động sản xuất giống nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Hiện, toàn huyện Kim Sơn có hơn 350 cơ sở sản xuất ngao giống, hàu, sò huyết giống, với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đối với vùng thủy sản nước ngọt, diện tích nuôi trên ao nổi, diện tích nuôi thâm canh, được mở rộng và phát triển mạnh ở Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư. Ngoài đối tượng chính là cá truyền thống thì các đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao như tôm càng xanh, chạch sụn, trai nước ngọt lấy ngọc, ốc nhồi, ếch... đã được người nuôi ưu tiên lựa chọn để nâng cao hiệu quả sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Văn Phương, nông dân nuôi cá lâu năm tại thị trấn Thịnh Vượng, huyện Gia Viễn chia sẻ: Hơn chục năm trước, gia đình nuôi quảng canh, cả năm mới thu hoạch được một lần, sản lượng thấp nên chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ trong vùng, thu nhập thấp, từ khi chuyển sang nuôi thâm canh, cho thấy hiệu quả hơn hẳn. Hiện, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch khoảng 100 tấn cá thương phẩm, sản phẩm đạt chất lượng tốt, thương lái khắp nơi từ Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa đổ về thu mua nên đầu ra khá ổn định, mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 400 triệu đồng, gấp 10 lần so với trước kia.
5 năm trở lại đây, ngành thủy sản đối mặt với nhiều thách thức chung của ngành Nông nghiệp do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và hàng loạt khó khăn khác như: Chi phí đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ thu hẹp… Nhiều thời điểm, giá cá, tôm giảm sâu, khó tiêu thụ khiến người nuôi mất lợi nhuận. Tuy nhiên, nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn thuộc tốp đầu về mức tăng trưởng so với mặt bằng chung của các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Trong khi tăng trưởng trung bình chung của ngành Nông nghiệp chỉ khoảng 3%, nhưng riêng ngành thủy sản luôn đạt 5-7%, thậm chí có năm đạt 2 con số.
Cụ thể, 2 năm liền (2020 và 2021) thủy sản là điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, với tăng trưởng duy trì ở mức 7,5%. Năm 2023 con số này là 5,2%. Riêng năm 2024, sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất thủy sản nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn kéo dài, đặc biệt là cơn bão số 3 Yagi gây thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, tổng sản lượng thủy sản vẫn đạt 68.770 tấn, giá trị trên 2.333 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2023.
Còn nhiều dư địa
Mặc dù đã đạt được những bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên, so với tiềm năng vốn có, ngành thủy sản Ninh Bình vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; nhiều dư địa chưa được khai thác hiệu quả.
Gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi cá ruộng, ông Bùi Văn Sáu (thôn Phượng Lâm, xã Văn Phú, huyện Nho Quan) cho rằng: Việc sản xuất không khó, khó nhất là tìm đầu ra ổn định. Ông Sáu cho biết, ông đã từng nuôi nhiều loại thủy sản khác nhau. Trước đây là con cá truyền thống nhưng vì chi phí giống, thức ăn cao, rủi ro dịch bệnh nhiều nên vài năm nay ông đã chuyển sang nuôi tôm càng xanh. Đây là con nuôi có sức sống tốt, có khả năng tận dụng thức ăn tự nhiên, giá giống cũng khá rẻ nên lợi nhuận thu về khá. Mấy năm vừa qua, năm nào gia đình ông cũng thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Sáu cũng như nhiều người nuôi tôm càng xanh trong vùng có một nỗi lo đó là khi diện tích, sản lượng tôm càng xanh ngày một tăng thì thị trường tiêu thụ sẽ ra sao? “1 ngày thu hoạch 5 tấn thì được nhưng khi con số này lên tới 7 tấn hay 10 tấn thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Con tôm càng xanh hiện nay phần lớn xuất bán tươi sang thị trường Trung Quốc và một phần tiêu thụ nội địa chứ chưa hề đưa vào chế biến sâu được” - ông Sáu nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Vân, một hộ nuôi cá lâu năm ở thị trấn Thịnh Vượng (huyện Gia Viễn) cho biết: Nuôi cá truyền thống, giá cả đầu ra phụ thuộc rất nhiều vào thương lái vì loại này chỉ bán tươi chứ không đưa vào chế biến được. Năm 2021, người nuôi chúng tôi đã thua lỗ nặng do nguồn cung dồi dào nhưng đầu ra bị ùn ứ. Vừa qua, có một số công ty đến đề nghị tôi hợp tác nuôi cá rô phi để chế biến phi lê xuất khẩu. Tôi cũng muốn chuyển qua sản xuất cho công ty để yên tâm về đầu ra nhưng để thống nhất được về giá cả lại là một câu chuyện dài.
Rõ ràng mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng sản lượng và giá trị gia tăng của ngành thủy sản chưa cao. Điều kiện hạ tầng nuôi chưa đồng bộ đang cản trở phát triển nuôi thâm canh. Đặc biệt, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ còn yếu; trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có cơ sở, nhà máy chế biến sâu về thủy sản, phần lớn thủy sản sản xuất ra hiện nay đều được tiêu thụ tươi sống, bán tự do trên thị trường nên giá cả bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thương lái.
Để tạo đà phát triển cho ngành thủy sản trong những năm tới, ông Vũ Minh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, bài toán được đặt ra là cần làm tốt công tác quy hoạch và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm thủy sản. Tới đây, ngành sẽ tập trung tham mưu, rà soát lại quy hoạch vùng nuôi một cách tổng thể. Từ đó, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng nuôi đáp ứng yêu cầu của sản xuất tập trung, công nghệ cao.
Song song với đó, đa dạng hóa các đối tượng nuôi, đưa các đối tượng nuôi mới có tiềm năng cạnh tranh, có khả năng chế biến vào nuôi như cá rô phi, lươn, chạch, nhuyễn thể (ngao, sò huyết, hàu), rong biển... Những loài này không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn phù hợp với điều kiện tự nhiên tại nhiều vùng miền, giúp khai thác hiệu quả diện tích mặt nước và giảm áp lực tiêu thụ.
Ví dụ, cá rô phi đang nổi lên như một đối tượng nuôi tiềm năng tại miền Bắc, với nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Tương tự, các mô hình nuôi kết hợp tôm, nhuyễn thể và rong biển đang chứng minh hiệu quả kinh tế và môi trường. Ngoài ra, sẽ nghiên cứu phát triển các con nuôi thủy sản đặc sản, đặc hữu (cá Trầu tiến Vua, cá rô Tổng Trường,...) gắn với chế biến, phát triển các sản phẩm OCOP thủy sản để phục vụ thị trường du lịch.
Tính toán nghiên cứu thử nghiệm các mô hình nuôi biển, nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn ở huyện Kim Sơn. Chú trọng triển khai các chương trình khoa học công nghệ, khuyến ngư có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học, hoá chất... trong nuôi trồng thuỷ sản. Con đường phía trước còn nhiều thách thức, nhưng với những lợi thế sẵn có và khát vọng vươn lên, tin rằng ngành thủy sản Ninh Bình hoàn toàn có thể tạo nên những kỳ tích mới.