Anh Đỗ Danh Dũng, 38 tuổi, ở xã Gia Thắng (huyện Gia Viễn) là lao động tự do không may mắc bệnh ung thư đại tràng, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trước đó, năm 2015 chưa phát hiện bệnh, anh Dũng không tham gia BHYT, do đó, khi mắc bệnh, mỗi đợt điều trị với chi phí từ 60-70 triệu đồng, gia đình anh từ hộ trung bình xuống hộ nghèo. Cuối năm 2015, được địa phương bình xét là hộ nghèo, anh được cấp thẻ BHYT. Từ khi có thẻ BHYT, anh và gia đình giảm đáng kể gánh nặng kinh tế, giúp anh có điều kiện trị bệnh được gần 5 năm nay.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hạ, xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh) không may khi 2 vợ chồng đều bị ung thư dạ dày. Chồng bà phát hiện bệnh hơn 1 năm, còn bà cũng phát hiện bệnh vài tháng nay. Rất may, cả hai vợ chồng đều tham gia BHYT hộ gia đình, do đó mới có thể được điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bà Hạ cho biết, gia đình bà làm nông nghiệp, nếu không có bệnh thì cuộc sống cũng đã khó khăn rồi, vì hai ông bà tuổi cao, nguồn thu nhập thấp. Các con đều đã lập gia đình riêng, cuộc sống cũng không khá giả gì. Nếu không có BHYT, chẳng biết vợ chồng tôi sẽ xoay sở ra sao. Giờ có BHYT đỡ đần phần lớn, thôi thì gắng vượt qua để chữa bệnh cho khỏi...
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, năm 2019, có trên 300 nghìn lượt người đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được chi trả BHYT, trong đó có những người được chi trả hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Hiện, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện điều trị nội trú cho 1.200-1.500 bệnh nhân và khám bệnh cho trên 1.000 lượt người, trong đó trên 90% bệnh nhân có thẻ BHYT.
Những năm qua, Bệnh viện đã tích cực tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT; truyền thông những chính sách, pháp luật BHYT mới ban hành; tính nhân văn của chính sách BHYT, lợi ích thiết thực của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; đặc biệt là việc thực hiện nghiêm Luật BHYT… cho cán bộ, nhân viên y tế, người lao động và nhân dân đến khám, chữa bệnh.
Được biết, đối với những người không thuộc diện được hỗ trợ hoặc được cấp thẻ BHYT theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi năm bỏ ra số tiền hơn 8 trăm nghìn đồng mua thẻ BHYT, có tấm thẻ này, họ sẽ yên tâm khi không may bị tai nạn, ốm đau, bệnh tật, sẽ có Quỹ BHYT chi trả 80% viện phí.
Đối với BHYT hộ gia đình, cụ thể, mức đóng của từng đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm này được thực hiện khi các thành viên tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính. Như vậy, cách tính mức giảm trừ khi tham gia BHYT hộ gia đình dựa vào quy định trên được tính như sau: Mức đóng của người thứ nhất sẽ bằng 4,5% mức lương cơ sở (lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng) nên mức đóng BHYT một năm được tính bằng: 4,5% x 1.490.000 x 12 tháng = 804.600 đồng/năm.
Mức đóng của người thứ hai sẽ bằng 70% của người thứ nhất; cho nên mức đóng cụ thể là: 563.220 đồng/năm. Mức đóng của người thứ ba bằng 60% người thứ nhất; mức đóng cụ thể là: 482.760 đồng/năm... Hiện nay, với chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT được các trung tâm y tế huyện, thành phố áp dụng đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại và dễ dàng hơn...
Thời gian tới, nhằm đạt mục tiêu BHYT toàn dân, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan, đặc biệt chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố, các đại lý thu đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức vận động để ngày càng có nhiều người dân tham gia BHYT. Cùng với đó, mỗi người cũng cần nêu cao ý thức và trách nhiệm tham gia BHYT đầy đủ, đúng quy định, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh