Phát huy thế mạnh
Thành phố Tam Điệp là vùng bán sơn địa, có địa hình đa dạng. Với những lợi thế về đất đai, khí hậu, thành phố Tam Điệp có điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung và kinh tế trang trại nói riêng.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố, với sự năng động, mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, nhiều nông dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu, trở thành chủ trang trại, gia trại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trang trại kinh tế tổng hợp của gia đình anh Lưu Đức Đàn ở thôn 3, xã Đông Sơn có diện tích 2,2 ha gồm đất 313 và đất đấu thầu 50 năm. Đây là trang trại sản xuất khép kín giữa trồng trọt và chăn nuôi theo hướng sản xuất sạch, cho hiệu quả kinh tế cao.
Chủ trang trại Lưu Đức Đàn cho biết: "Vợ chồng tôi quê ở xã Yên Thắng (Yên Mô), lên vùng kinh tế mới Đông Sơn lập nghiệp từ hơn 15 năm nay.
Vùng đất này trước đây trồng chè, nhưng do cây chè không có hiệu quả nên vợ chồng tôi chuyển sang trồng vải, trồng các cây ngắn ngày như ngô, lạc. Mấy năm gần đây, vải rơi vào tình trạng "được mùa rớt giá", tôi chuyển hướng sang trồng cây bưởi Diễn. Hiện trang trại có 170 cây bưởi Diễn. Tận dụng phần đất còn lại, tôi trồng sắn dây, dưa hấu, dưa lê, Phật thủ, lạc, ngô...".
Theo anh Đàn, trồng dưa, trồng sắn dây cho thu nhập ổn định, để "lấy ngắn nuôi dài", đầu tư phát triển chăn nuôi. Từ nguồn vốn vay ngân hàng, gia đình anh Đàn đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, xây hầm biogas để nuôi lợn hướng nạc. Mỗi năm anh nuôi từ 270 - 300 con lợn, xuất chuồng 15 - 20 tấn lợn hơi, cho doanh thu gần 1 tỷ đồng. Hiện anh nuôi 5 con lợn mẹ để tự cung cấp giống, do đó nguồn con giống đảm bảo an toàn về dịch bệnh.
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, năm 2014, anh Đàn đầu tư nuôi gà Đông Tảo, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, anh Đàn tiếp tục nghiên cứu đầu tư nuôi các con nuôi mới như: lợn rừng, đà điểu. Ngoài tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình, trang trại của gia đình anh Đàn còn giải quyết việc làm cho 2-3 lao động thời vụ.
Nói về vấn đề phát triển kinh tế trang trại, anh Đàn cho biết: Đất đai ở xã Đông Sơn rộng, môi trường, khí hậu trong lành nên cây trồng, vật nuôi ít bị dịch bệnh. Hiện nay, xã Đông Sơn có 16 trang trại đạt chuẩn. Hầu hết các trang trại đã đầu tư đưa các giống cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa.
Theo thống kê, thành phố Tam Điệp hiện có 33 trang trại đạt chuẩn theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp & PTNT và 112 gia trại. Trong số 33 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, có 12 trang trại chăn nuôi, 2 trang trại nuôi trồng thủy sản và 19 trang trại tổng hợp.
Tổng diện tích của các trang trại là 156 ha. Năm 2014, doanh thu từ các trang trại đạt trên 42 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại đạt doanh thu trên 1,2 tỷ đồng/năm. Các trang trại đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 493 lao động và 326 lao động thời vụ.
Có thể khẳng định, việc phát triển kinh tế trang trại ở thành phố Tam Điệp đã đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác và sử dụng đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hóa, ao hồ, đầm… để sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng chuyên canh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.
Những năm qua, thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện về quỹ đất, chuyển giao tiến bộ KHKT để người dân địa phương phát triển kinh tế gia trại, trang trại. Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức cho các chủ trang trại đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển mô hình kinh tế trang trại ở các địa phương trong và ngoài tỉnh; đồng thời phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho các hộ nông dân…
Đặc biệt, thành phố cũng quan tâm triển khai sớm việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại đối với những trang trại đủ tiêu chí để các chủ trang trại yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài và có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng, nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ dồn điền, đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại nuôi trồng thủy sản ở một số địa phương phát triển.
Tháo gỡ khó khăn cho các trang trại
Để kinh tế trang trại phát triển hiệu quả và bền vững, cùng với các chính sách của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên, dám nghĩ, dám làm của các chủ trang trại, khó khăn đặt ra đối với các trang trại trên địa bàn thành phố Tam Điệp cũng không ít.
"Khó khăn lớn nhất của các trang trại là vấn đề về đất đai. Đa số đất của các trang trại là đất thuê, đất hợp đồng, chưa được giao sử dụng lâu dài. Do không có sự ổn định về đất đai nên một số chủ trang trại còn do dự, hạn chế đầu tư mở rộng quy mô trang trại.
Khó khăn nữa là thiếu vốn. Hầu hết vốn đầu tư của các trang trại là vốn tự có hoặc vốn vay từ cộng đồng, ngân hàng. Mặc dù Nhà nước đã ban hành chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại nhưng các chủ trang trại vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi này.
Còn việc vay vốn ở các ngân hàng khác, các chủ trang trại lại vướng "rào cản" là phải thế chấp sổ đỏ, nên không dễ tiếp cận được nguồn vốn vay. Qua khảo sát của Phòng kinh tế thành phố, hầu hết các trang trại còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, tự lo đầu vào và tìm đầu ra cho sản phẩm của trang trại…" - đồng chí Lê Văn Minh, Phó phòng kinh tế thành phố Tam Điệp chia sẻ.
Từ thực tế đặt ra, theo đồng chí Lê Văn Minh, Phó phòng kinh tế thành phố: Các trang trại cần phải có một tổ chức, ví dụ như thành lập Hội kinh tế trang trại để tập hợp, có sự định hướng cách thức làm ăn, hỗ trợ… cho các trang trại.
Nhiệm kỳ 2015- 2020, thành phố Tam Điệp xác định: Phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn đồi là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp và sẽ tập trung nhiều giải pháp để kinh tế trang trại phát triển bền vững, góp phần nâng cao giá trị ngành sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Thời gian tới, thành phố từng bước định hướng phát triển các loại hình trang trại, định hướng cho các trang trại trong việc trồng cây gì, nuôi con gì để đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản trên thị trường, không để các trang trại phát triển tự phát như trước.
Đồng thời tiến tới quy hoạch lại các trang trại theo hướng tập trung, chuyên sâu, phát triển theo vùng, miền. Theo đó, trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp cấy lúa được quy hoạch phát triển tập trung ở xã Yên Sơn, phường Yên Bình; trang trại tổng hợp tập trung ở các xã Đông Sơn, Quang Sơn, phường Nam Sơn; trang trại chăn nuôi tập trung ở xã Đông Sơn, Yên Sơn…
Từng bước giúp các trang trại trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT, kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, kinh nghiệm quản lý… cho các chủ trang trại và bà con nông dân. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố Tam Điệp phấn đấu có gần 50 trang trại đạt chuẩn.
Bài và ảnh: Ngọc Minh