Xuất phát từ tình hình trên, được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình "Chăn nuôi gà an toàn sinh học". Mục đích của mô hình này là: Khôi phục và phát triển gà đảm bảo an toàn sinh học, an toàn thực phẩm trong thời kỳ dịch bệnh nguy hiểm bùng phát.
Mô hình góp phần chuyển dịch cơ cấu giống, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội và góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Mô hình cũng nhằm nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi; kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y, phòng trị bệnh cho gia cầm... nhằm đảm bảo có được sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Đồng chí Nguyễn Thị Bốn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Năm 2008, Trung tâm đã triển khai mô hình ở: Khánh Nhạc (Yên Khánh), Đồng Hướng (Kim Sơn), Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình), Yên Từ, Yên Thành (Yên Mô), Ninh Xuân (Hoa Lư) với tổng 12.500 con bằng giống gà Lương Phượng. Kết quả thực hiện từ tháng 4 đến tháng 7 (4 tháng) cho thấy: Có 116 hộ tham gia mô hình ở 6 điểm trình diễn có tỷ lệ gà nuôi sống đạt 96%, vượt 1% so với yêu cầu; trọng lượng xuất bán đạt 2,1 kg/con; tiêu tốn thức ăn 2,5 kg/1 kg trọng lượng...
Theo tính toán với giá bán tại thời điểm đó, thì cứ 100 con gà (nuôi sống 96 con) thu được 1.820.000 đồng; chi phí nuôi hết khoảng 700.000 đồng thì còn lãi được 1.100.000 đồng. Mặt khác mô hình còn tạo điều kiện cho người chăn nuôi áp dụng những tiến bộ KHKT; khuyến khích hộ gia đình chăn nuôi theo hướng hàng hóa, chăn nuôi tập trung; đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi; tạo điều kiện để giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và tận dụng được sức lao động trong gia đình.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2009, Trung tâm tiếp tục triển khai mô hình cũng ở 5 điểm gồm: Khánh Dương (Yên Mô), thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh), Gia Minh (Gia Viễn), phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình), phường Bắc Sơn (thị xã Tam Điệp)… với tổng số 11.500 con. Qua kiểm tra, đánh giá từ các hộ gia đình tham gia mô hình cho thấy: Gà đang sinh trưởng phát triển tốt; tỷ lệ sống vượt yêu cầu; dịch bệnh được khống chế... Ông Nguyễn Văn Đức, tổ 10, phường Bắc Sơn (thị xã Tam Điệp) cho biết: Là một trong số hộ gia đình tham gia mô hình nuôi gà an toàn sinh học do Trung tâm khuyến nông triển khai với số lượng 200 con. Đã qua gần 50 ngày nuôi, tỷ lệ gà sống đạt 97-98%; trọng lượng gà bình quân đạt 1,6 kg/con, gà khỏe mạnh không có biểu hiện gì của bệnh tật. Gia đình bà Tống Thị Ngoan, tổ 4, phường Bắc Sơn (thị xã Tam Điệp) nhận nuôi 150 con. Bà cho biết: Do tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, hướng dẫn của Trung tâm từ làm chuồng ủ ấm, cho ăn, vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh... nên tỷ lệ sống của đàn gà đạt 100%; gà khỏe mạnh, nhanh nhẹn; trọng lượng đạt bình quân 1,5 kg/con...
Mặc dù đã có kết quả khả quan như trên, song cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Bốn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thì: Một số hộ tham gia mô hình không thực hiện đúng quy trình chăn nuôi; vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào cán bộ kỹ thuật, sợ tốn thức ăn... nên kết quả không cao. Chăn nuôi gà an toàn sinh học là hướng đi cần thiết, nhất là trong tình hình, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp như hiện nay.
Bài, ảnh: Đinh Chúc