Thỏ ngoại Newzeland Wihte được nhập vào Việt Nam từ năm 1998, có màu lông trắng tuyền, mắt hồng, trọng lượng trưởng thành đạt từ 4-4,5 kg/con, mỗi năm con cái đẻ từ 6-7 lứa, mỗi lứa từ 7-8 con. Thỏ nuôi 5-6 tháng trọng lượng đạt từ 3,5-4 kg/con, tỷ lệ thịt xẻ đạt 52-55%. Thịt thỏ thơm, ngon, bổ, giàu đạm, nhiều protein, các chất khoáng và ít mỡ. Đặc điểm của thỏ là nguồn thức ăn ở dạng thô xanh chiếm tới 80-90% nên rất phù hợp với điều kiện tự nhiên sinh thái của tỉnh và tận dụng được nguồn sản phẩm phụ của nông nghiệp: rau, lá, cây cỏ tự nhiên. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện dự án tại 5 xã gồm: Phú Long, Phú Lộc, Yên Quang (Nho Quan); Gia Hưng (Gia Viễn); Khánh Công (Yên Khánh) mỗi xã 10 hộ nuôi, mỗi hộ được giao 10 con thỏ bố mẹ (8 cái, 2 đực). Sau hơn một năm triển khai dự án cho thấy: Số con đẻ ra/lứa, số con cai sữa/lứa, tốc độ tăng trọng trong đàn và tốc độ tăng đàn, đạt được so với chỉ tiêu của giống thỏ ngoại nuôi tại hộ gia đình. Tổng lượng đàn của mô hình đến 31-12-2009 đạt 3.000 con. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương thử nghiệm lại cho kết quả khác nhau, như: Tốc độ tăng trọng ở một số hộ nuôi thuộc xã Khánh Công đạt 2,8-3 kg/con, sau 3 tháng nuôi; nhưng ở các xã Phú Lộc, Phú Long chỉ đạt 1,8-2 kg/con, do không được đầu tư chăm sóc tốt và kịp thời. Tốc độ tăng đàn ở xã Khánh Công đạt cao nhất, bởi đây là xã có truyền thống trong chăn nuôi, người dân cần cù chịu khó, chủ động trồng cây thức ăn cho thỏ, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi.
Theo tính toán của Trung tâm Khuyến nông tỉnh thì hiệu quả kinh tế thu được là khá lớn. Chỉ tính một con thỏ cái, một năm đẻ 6 lứa được 44 con, nuôi sống 40 con, đến 3 tháng tuổi đạt trọng lượng 2,5 kg/con thì tổng lượng thịt hơi đạt 100 kg, bán với giá 50.000 đồng/kg thu được 5 triệu đồng. Trừ chi phí thức ăn tinh, thức ăn thô, khấu hao dụng cụ còn lãi 2,5 triệu đồng/con và nếu nuôi 10 con thì lãi khoảng 25 triệu đồng. Về mặt xã hội, hiệu quả của dự án có tính phổ rộng cao, ở đâu nhà nào cũng có thể chăn nuôi thỏ được. Nuôi thỏ tận dụng được nguồn phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp: củ, quả, cây, lá…Tận dụng được nguồn nhân lực và tranh thủ được thời gian nông nhàn.
Ông Trịnh Lương Triều, xóm 4, Khánh Công là một trong số hộ tham gia nuôi thỏ cho biết: Được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh từ tháng 4-2009 gia đình nhận 10 con (có 2 thỏ đực) về nuôi, khoảng 45 ngày thỏ cái đẻ một lứa, mỗi lứa bình quân 8 con. Sau 1 tháng tuổi bán giống 50.000 đồng/con thì mỗi lứa thu được 400.000 đồng. Thức ăn của thỏ tới 80% là cỏ, lá, 20 % là thức ăn tinh (bột, cám). Cứ 6 tháng tiêm phòng một lần nên rất ít bệnh tật. Thỏ là loài động vật không tiêu tốn nhiều thức ăn và không xâm phạm đến nguồn lương thực của con người, dễ nuôi, sinh sản nhanh và nhiều.
Nhưng, theo bà Phạm Thị Bốn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thì việc chăn nuôi thỏ cũng cần phải có kỹ thuật, nắm vững quy trình cơ bản, vệ sinh chuồng trại phòng, chống dịch bệnh thường xuyên, đặc biệt là không để xảy ra tình trạng phối giống cận huyết và có thể khắc phục tình trạng này bằng cách mua con đực ở nơi khác về hoặc hoán đổi con đực giữa các hộ chăn nuôi thỏ với nhau. Nuôi thỏ nếu ở quy mô hộ gia đình chỉ nên từ 8-10 con mẹ. Có thể nuôi ở quy mô gia trại, trang trại, nhưng đòi hỏi phải có vốn, diện tích đất, nhân lực và nhất là phải tính đến đầu ra (tiêu thụ thỏ thương phẩm). Nhiều hộ chăn nuôi thỏ, đều có nhận xét và tâm tư như trên, nhất là vấn đề tiêu thụ, đầu ra cho thỏ thương phẩm.
Vấn đề này, đồng chí Hoàng Minh Thành, Trại trưởng trại giống thỏ Việt-Nhật Ninh Bình cho biết: Mục tiêu của trại là hướng đến tạo ra vùng chăn nuôi thỏ ở Ninh Bình làm nguyên liệu cung cấp cho công ty Nippon zonki làm vắc xin, mỗi năm từ 1,5-2 triệu con. Hiện tại Trại có đội ngũ kỹ thuật sẵn sàng hướng dẫn cho nông dân quy trình nuôi và có xưởng giết mổ thỏ cung cấp cho các nhà hàng lớn ở Hà Nội. Trại thường xuyên có giống thỏ Newzeland White thuần chủng (đàn thỏ cái 1.300 con, đực 150 con). Các hộ gia đình nuôi có thể mua giống tại trại hoặc đưa thỏ thành phẩm đến bán trực tiếp cho trại, nhưng trọng lượng phải đạt từ 2,8 kg/con trở lên. Có thể thu gom, hình thành các hội chăn nuôi thỏ với nhau tạo thành khối lượng lớn tập trung, trại sẽ cử cán bộ thu mua chở về. Như vậy vấn đề đầu ra phần nào đã được tháo gỡ. Việc còn lại là chăn nuôi thế nào, quy mô ra sao và tổ chức tiêu thụ, thu gom sản phẩm thương phẩm sao cho hợp lý, phù hợp.
Đinh chúc