Công ty TNHH công nghiệp Chia chen-Khu công nghiệp Khánh Phú (Yên Khánh) chuyên sản xuất các loại Buloong, ốc vít là một trong những đơn vị có chuyển biến trong công tác ATVSLĐ-PCCN thời gian qua. Công ty hiện có 230 công nhân, từ đầu năm, Công ty đã trang bị đủ phương tiện bảo hộ lao động cho các cơ sở. Toàn bộ cán bộ, công nhân đang làm việc tại Công ty đều được huấn luyện về ATVSLĐ-PCCN và bảo hộ lao động. Tại các xưởng sản xuất đều có biển nội quy an toàn lao động, an toàn PCCN, biển cấm lửa và tiêu lệnh PCCC đúng quy định. Từng loại máy móc, thiết bị có các nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thường xuyên kiểm tra, sửa chữa và thay thế thiết bị không bảo đảm an toàn; người lao động được trang bị đầy đủ các loại bảo hộ lao động…
Ông Lưu Minh Đức, Giám đốc phụ trách sản xuất Công ty TNHH công nghiệp Chia chen cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác đảm bảo ATVSLĐ trong doanh nghiệp, song mới theo kiểu "nghĩ đến đâu thì làm tới đó" chứ chúng tôi chưa xây dựng được hệ thống ATVSLĐ một cách bài bản, khoa học. Bởi vậy, tham gia vào lớp huấn luyện công tác ATVSLĐ, chúng tôi được nghiên cứu những vấn đề cơ bản về hệ thống quản lý ATVSLĐ, các bước xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ và những phương pháp đánh giá và xác định rủi ro trong sản xuất… Từ những kiến thức tiếp thu được, chúng tôi sẽ áp dụng vào thực tiễn sản xuất ở đơn vị mình.
ý nghĩa của các lớp tập huấn là vậy, song trên thực tế không có nhiều doanh nghiệp ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác huấn luyện ATVSLĐ cũng như những ảnh hưởng của nó đến tính mạng, sức khỏe của người lao động nên chưa chú trọng tham dự các lớp huấn luyện này. Trong khi đó, việc thực hiện kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp của ngành chức năng vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo ông Lê Đức Mạnh, Trưởng phòng Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay, công tác huấn luyện ATVSLĐ đã được xã hội hóa, theo đó các doanh nghiệp chủ động liên hệ và tổ chức huấn luyện ATVSLĐ. Nhìn chung, các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động hơn trong công tác huấn luyện. Tuy nhiên, những đánh giá ấy chỉ thông qua các đợt kiểm tra, giám sát việc thực hiện ATVSLĐ hàng năm của ngành Lao động chứ các doanh nghiệp không thực hiện báo cáo mặc dù với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước, hàng năm Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đều đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ này. Bởi trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về hoạt động huấn luyện ATVSLĐ thì lại không quy định rõ việc doanh nghiệp phải báo cáo về công tác huấn luyện với ngành chức năng và cũng không quy định rõ về kinh phí huấn luyện nên dễ có sự thỏa hiệp giữa doanh nghiệp và đơn vị huấn luyện. Trong các đợt kiểm tra, việc thực hiện ATVSLĐ ở các doanh nghiệp, mặc dù các doanh nghiệp đều có hồ sơ hợp lệ theo quy định, song ngành chức năng không thể biết được doanh nghiệp đã tổ chức được bao nhiêu lớp với số lượng là bao nhiêu? Và cũng vì không nắm được lịch tổ chức lớp huấn luyện của doanh nghiệp nên các ngành chức năng muốn kiểm tra chất lượng lớp tập huấn cũng khó mà thực hiện được.
Vì không có sự giám sát của ngành chức năng nên chất lượng các lớp huấn luyện này cũng có nhiều vấn đề cần bàn. Việc ký hợp đồng thực hiện huấn luyện chủ yếu là với các đơn vị ngoài tỉnh, dù có đủ thủ tục pháp lý song về chất lượng cũng chưa chắc đã đảm bảo. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động. ở nhiều nơi, người sử dụng lao động không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ và định kỳ huấn luyện lại cho người lao động. Không ít doanh nghiệp tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động một cách hình thức, đối phó hoặc nội dung huấn luyện không phù hợp, không cụ thể với từng công việc, máy móc thiết bị, hóa chất, công nghệ mà người lao động làm việc, vận hành, tiếp xúc; thời gian huấn luyện không đảm bảo, huấn luyện lý thuyết mà không đi kèm với thực hành, kiểm tra, sát hạch, đặc biệt là đối với những lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, do đó người lao động không nhận biết được đầy đủ các nguy cơ, các yếu tố nguy hiểm có hại trong công việc, máy móc, hóa chất mà mình vận hành, sử dụng, tiếp xúc và nơi làm việc của người lao động.
Huấn luyện ATVSLĐ là một biện pháp hiệu quả để hạn chế tai nạn lao động. Bởi thông qua lớp huấn luyện, người lao động sẽ nắm được chắc các nội quy lao động, sử dụng máy móc, thiết bị một cách thuần thục; cũng qua các buổi huấn luyện, người lao động được hướng dẫn cách nhận biết các yếu tố nguy hiểm, có hại cho sức khỏe, tính mạng của bản thân để từ đó nâng cao ý thức, kiến thức để làm việc an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của các lớp huấn luyện này chỉ đạt được nếu có sự quan tâm thực sự của chủ sử dụng lao động và sự giám sát sát sao của ngành chức năng. Muốn vậy, cấp có thẩm quyền cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn việc thực hiện Luật ATVSLĐ một cách cụ thể, chi tiết và chặt chẽ hơn, trong đó có cả những chế tài để xử lý các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đảm bảo chất lượng các lớp huấn luyện ATVSLĐ.
Đào Hằng