Gia Minh là một xã miền núi nằm ở phía tây nam của huyện Gia Viễn. Nằm cạnh con sông Hoàng Long mênh mông nước, lại có địa hình đồng chiêm trũng nên việc phát triển kinh tế nông nghiệp ở Gia Minh gặp nhiều khó khăn.
Không chịu khuất phục trước tự nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã nỗ lực, đoàn kết để tìm ra giải pháp phát triển kinh tế hiệu quả, đó chính là đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản. Những ao nuôi cá bắt đầu hình thành, ầm vang tiếng máy xúc đào đất, tiếng máy bơm nước, quạt khí chạy vo vo. Thế nhưng với xuất phát điểm thấp, bản thân các hộ nuôi trồng ít vốn nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế.
Chính vì vậy, nuôi trồng thủy sản ở Gia Minh lúc đó khó phát triển vượt bậc, thiếu về kỹ thuật canh tác, yếu tố thời tiết bất lợi khiến năng suất, sản lượng thủy sản không ổn định, hiệu quả kinh tế không cao. Lại thêm khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, không có tổ chức quy tụ các hộ nuôi trồng nên "mạnh ai người nấy làm", chịu cảnh bị lái buôn ép giá. Nỗi lo âu "được mùa rớt giá" luôn thường trực trong suy nghĩ của các hộ nuôi mỗi khi vụ thu hoạch đến gần.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND xã Gia Minh cho biết: Những khó khăn mà các hộ nuôi trồng thủy sản gặp phải cũng là vấn đề nhức nhối mà chính quyền xã cũng mong mỏi tìm ra giải pháp hiệu quả. Xác định việc thành lập một tổ chức pháp nhân để quy tụ các hộ nuôi trồng thủy sản lại với nhau là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách, tháng 6/2018, chính quyền xã đã giao cho Đoàn thanh niên vận động các hộ dân thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản với lực lượng thanh niên làm nòng cốt.
Việc thành lập tổ hợp tác là mục tiêu trước mắt, để các hộ dân thấy được lợi ích khi tham gia vào kinh tế tập thể trước rồi mới phát triển thành hợp tác xã sau. Đến tháng 8/2018, Tổ hợp tác đã chính thức được thành lập. Anh Trần Trọng Thuấn, Bí thư Đoàn xã Gia Minh chính là cán bộ chủ chốt, không quản nắng mưa lặn lội đi từng hộ dân vận động tham gia tổ hợp tác.
Anh Thuấn kể lại, ban đầu đa số các hộ dân vẫn giữ tư tưởng hoạt động cá nhân riêng lẻ, có hộ còn sợ lộ "bí quyết" nuôi trồng, có hộ lại sợ bị giành mất mối tiêu thụ. Đây là những suy nghĩ cố hữu trong tư duy sản xuất cũ, vốn không tránh khỏi.
Tuy nhiên, sau khi ngồi lại cùng phân tích những lợi ích mà việc tham gia tổ hợp tác, từ việc làm chung, hưởng chung, có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ nhau về kỹ thuật canh tác cho đến việc thuận lợi tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giá thu mua ổn định... Mặt khác, các đoàn viên, thanh niên đã cùng tham gia đi vận động nên nhiều hộ dân dần hiểu ra và nhất trí với phương án thành lập tổ hợp tác.
Chính vì thế, chỉ sau hơn 1 tháng, đến tháng 8/2018, Tổ hợp tác đã được thành lập. Sau một thời gian hoạt động, khi quy mô tổ hợp tác không còn phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất hiện tại, các thành viên đã mạnh dạn đề xuất việc thành lập hợp tác xã. Công tác dân vận lại tiếp tục được thực hiện, nhưng dễ dàng hơn bởi các hộ dân đã thấy rõ được hiệu quả của việc sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể.
Ông Đinh Văn Tính, Giám đốc HTX nuôi thủy sản Gia Minh cho biết: Hiện nay, HTX có 19 thành viên, quy mô vùng nuôi trồng thủy sản là gần 20ha. Trước đây khi còn hoạt động theo tổ hợp tác quy mô nhỏ, không có con dấu riêng, tư cách pháp nhân không đủ sức "nặng" để thực hiện các hợp đồng giao dịch nên thành lập HTX là điều tất yếu, cũng là mong mỏi của các thành viên.
Hiện nay, ngoài hoạt động nuôi trồng thủy sản, HTX còn đảm nhiệm các khâu dịch vụ như cung cấp giống, cung cấp thức ăn chăn nuôi và đã ký hợp đồng tiêu thụ 90% sản lượng thủy sản của HTX. Mặt khác, sau khi được tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi, các hộ nuôi trồng đã chuyển sang phương pháp nuôi công nghiệp, nên hiệu quả kinh tế tăng vọt.
Đến nay, giá trị trên 1 ha canh tác đạt trên 150 triệu đồng. Vụ đầu năm 2019 vừa qua, mỗi sào ao nuôi thu về trên 1 tấn cá thịt, sau khi trừ chi phí, lãi thu về từ 10 - 15 triệu đồng.
Có thể thấy, kinh tế tập thể đã đem lại những hiệu quả ưu việt so với việc canh tác nhỏ lẻ, manh mún của các hộ nuôi thủy sản ở xã Gia Minh. Sự thành công của HTX nuôi thủy sản sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đưa Gia Minh về đích nông thôn mới năm 2019. Điều đó cũng cho thấy tầm quan trọng của công tác dân vận, điều mà cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã Gia Minh đã thực hiện hiệu quả.
Bài, ảnh: Thái Học