HTX chiếu cói xuất khẩu Đại Đồng có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Tiền thân từ các tổ sản xuất hàng cói, may thảm, xay xát... nhỏ lẻ từ thập niên 60 của thế kỷ trước, đã từng được hợp nhất thành HTX Đại Đồng, sau được đổi tên thành Xí nghiệp chiếu cói xuất khẩu Phát Diệm. Hoạt động ổn định cho đến năm 1990, Xí nghiệp lại được đổi tên thành Xí nghiệp tập thể chiếu cói xuất khẩu Đại Đồng.
Với quá trình xây dựng và phát triển lâu đời đó, Xí nghiệp là một trong những "lão làng" của ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn huyện Kim Sơn, cũng là một đối tác tin cậy của rất nhiều khách hàng quốc tế.
Đến tháng 6 năm nay, Xí nghiệp chính thức chuyển đổi mô hình, trở thành HTX chiếu cói xuất khẩu Đại Đồng và là một thành viên của Liên minh HTX tỉnh. Đây là cột mốc đánh dấu cho sự đổi thay và phát triển lâu dài.
Dẫn chúng tôi đi thăm nhà xưởng, ông Trần Đăng Bằng, Giám đốc HTX chỉ vào một nhà kho chứa hàng cói. Cũng là một gian nhà kiên cố, lợp mái tôn đỏ nhưng có một điều lạ ở đây so với những nhà kho của một vài doanh nghiệp làm hàng thủ công mà chúng tôi đã đến trước đây. Cái điều lạ ấy là một khoảng không gian trống trải, chỉ có tấm bạt xanh trải dưới nền nhà.
Chẳng thể nào mà tìm đâu ra bóng dáng của những chiếc liễn, chiếc giỏ, bình hoa bằng cói... Đem cái sự lạ ấy để hỏi ông Bằng, ông cười lớn và trả lời: Tất cả hàng cói đã được chúng tôi cho xuất xưởng từ cuối tuần trước hết rồi. Thì ra, những sản phẩm cói chỉ được "tạm trú" trong các nhà kho vài ngày.
Đó là khoảng thời gian mà các "vệ tinh lớn" - trưởng một tổ sản xuất tại các làng, xã khắp huyện - thu gom sản phẩm tại các hộ gia đình và lao động vệ tinh để bàn giao cho HTX đến thời gian xuất hàng, mà thường là vào ngày cuối tuần.
Ông Bằng cho biết có khoảng 25 "vệ tinh lớn" và trên dưới 1.000 vệ tinh nhỏ. Thế nên những ngày giao hàng, ông Bằng ví "vui như trẩy hội".
Hàng cói được xuất xưởng liên tục nên những lao động làm việc tại HTX chủ yếu là những người trong tổ kỹ thuật, với nhiệm vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm và sửa những lỗi nhỏ, tức là giai đoạn cuối cùng trước khi xuất hàng.
Một khu kỹ thuật, chuyên thực hiện các công đoạn như tẩm ướp chống mốc, phơi nắng... lại ở một khu riêng tách biệt, do đó các gian nhà phía sau trụ sở của HTX lại là khu xưởng sản xuất hàng may.
Sản phẩm may ở đây là những chiếc túi đựng đồ, thứ mà khách hàng châu Âu thường được "tặng" miễn phí sau khi mua hàng ở các siêu thị. Đây là loại túi thân thiện với môi trường, để ngoài trời chỉ sau vài ngày là tự phân hủy.
Theo ông Bằng, đơn hàng hiện tại do một số công ty tại Thụy Điển đặt làm với số lượng khá lớn. Mặt hàng này không chỉ được các siêu thị, cửa hàng tạp hóa tại đó ưa chuộng, mà ngay cả người sử dụng cũng rất thích thú bởi công dụng đa năng mà lại không gây ô nhiễm cho môi trường. Bởi thế nên mặt hàng cói phần đa là xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Hơn 35 công nhân may, mỗi người một chiếc máy khâu công nghiệp cặm cụi làm việc. Ông Bằng chia sẻ: Dù trước đây là xí nghiệp nay trở thành HTX song các quy định của HTX khá quy củ như làm việc hành chính. Công nhân may làm việc ở đây ngày 8 tiếng.
Hơn thế, chúng tôi thực hiện cả việc đánh giá chuyên cần, đến cuối tháng, những ai lao động tốt, đủ chuyên cần sẽ được nhận thưởng. Bởi vậy, các chị em lao động rất hăng say.
Không chỉ quan tâm đến các lao động thường xuyên tại HTX, các lao động nhận gia công sản phẩm cói tại nhà cũng được HTX quan tâm. Hàng năm, cứ đến dịp tựu trường, hơn 1.200 cuốn vở được phát tặng cho con em người lao động.
Dù giá trị không lớn nhưng đó là nguồn động lực cổ vũ cho các em chăm chỉ học tập, tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, dòng họ.
Bước sang nửa cuối năm 2016, HTX chiếu cói xuất khẩu Đại Đồng hứa hẹn sẽ đạt được những thành công mới. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của HTX đạt trên 12 tỷ đồng. Khi gia nhập Liên minh HTX Việt Nam nói chung và Liên minh HTX tỉnh nói riêng sẽ là một thuận lợi lớn, mở ra cơ hội để HTX tiếp cận, ứng dụng KHKT, cũng như các chính sách vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề...
Đây sẽ là bước đệm để HTX ngày càng phát triển, tạo thêm việc làm ổn định cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bài, ảnh: Thái Học