Là thôn có khá nhiều gia đình mở nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống và loại hình du lịch Homestay, thôn Trường An, xã Trường Yên (Hoa Lư) đã ngày càng đi vào chuyên nghiệp, nền nếp. Cả thôn có đến hàng chục nhà hàng ăn uống và trên 20 gia đình chị em phụ nữ tham gia du lịch cộng đồng. Để nâng cao ý thức cho phụ nữ trong kinh doanh các loại hình dịch vụ, Hội phụ nữ xã, chi hội phụ nữ thôn đã tích cực tuyên truyền nâng cao trình độ cho chị em về kiến thức, kỹ năng làm du lịch; trong đó quan trọng nhất là việc ứng xử có văn hóa, văn minh trong đón tiếp, phục vụ khách, tạo niềm tin, ấn tượng tốt đối với du khách, từ đó khách sẽ quay lại và giới thiệu cho bạn bè, người thân đến tham quan, du lịch.
Chị Nguyễn Thị Tố Loan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trường Yên (Hoa Lư) cho biết, trước đây, hầu hết phụ nữ xã Trường Yên làm nghề nông, kinh tế trông vào vài sào ruộng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô ngày càng được du khách biết đến, đặc biệt trên địa bàn huyện, các tuyến du lịch thông nhau giữa các xã, các khu du lịch đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình mở các nhà hàng ăn uống, làm du lịch cộng đồng. Từ đó, số người dân làm du lịch, tỷ lệ phụ nữ có việc làm bằng dịch vụ du lịch tăng lên. Hiện toàn xã có hàng nghìn phụ nữ tham gia kinh doanh, phục vụ nhà hàng, làm du lịch homestay, chèo thuyền, bán hàng… thu nhập từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/tháng, nâng cao đời sống cho bản thân và gia đình.
Tại Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, xã Ninh Hải (Hoa Lư) có đến 2/3 chị em phụ nữ trong xã tham gia các dịch vụ phục vụ khách du lịch như chèo đò, bán hàng, hướng dẫn viên du lịch, lễ tân, buồng phòng… Với lực lượng khá đông làm du lịch, Hội phụ nữ xã đã được Hội phụ nữ huyện, tỉnh và ngành Du lịch tích cực tổ chức các lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, giữ gìn vệ sinh môi trường khu du lịch. Đặc biệt, ngành Du lịch đã mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng, cách thức làm du lịch chuyên nghiệp để phục vụ các đối tượng khách. Qua các lớp bồi dưỡng, chị em hiểu rõ hơn về các danh lam thắng cảnh, ý nghĩa lịch sử, văn hóa trên quê hương mình, từ đó có ý thức bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị đó. Đặc biệt, chị em hiểu hơn về văn hóa, văn minh du lịch, từ đó ứng xử thân thiện, phục vụ chu đáo, không chèo kéo, ép buộc khách mua hàng, không gợi ý, xin tiền bo…, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách khi đến khu du lịch. Hiện nay, khu du lịch Tam Cốc-Bích Động trở thành khu du lịch văn hóa, văn minh tiêu biểu, được khá nhiều du khách nước ngoài lựa chọn khi đến Ninh Bình.
Chị Selina Weston, du khách người Anh cho biết: Tìm hiểu qua mạng tôi thấy Ninh Bình có rất nhiều cảnh đẹp tự nhiên hoang sơ nên chọn Ninh Bình là điểm đến đầu tiên khi đến đất nước Việt Nam. Quả thật tôi không bị thất vọng. Cảnh đẹp, con người nhiệt tình, niềm nở - đặc biệt sự chân chất, giản dị của những người phụ nữ với những nụ cười tươi, những câu chào hỏi bằng tiếng Anh còn chưa chuẩn khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp như ở đất nước của mình. Các món ăn và quà tặng cũng rất ngon và thú vị nữa. Nói chung chúng tôi khá hài lòng với cách phục vụ du lịch thân thiện, chu đáo và thân tình của các bạn. Các bạn nên phát huy những điều đang có để thu hút được nhiều khách đến đây hơn nữa. Khi về nước, tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè, những người thân của mình về Ninh Bình, về đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách.
Chị Phạm Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoa Lư cho biết: Là huyện có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nên Hoa Lư có điều kiện để phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ. Trong đó, lực lượng lao động nữ chiếm số đông với các ngành nghề phù hợp như chèo đò, hướng dẫn viên du lịch, bán hàng, cung cấp lương thực, thực phẩm, phục vụ buồng, bàn trong các cơ sở lưu trú… Để nâng cao nhận thức cho chị em, tiến tới không còn tình trạng chèo kéo, ép khách mua hàng, ăn uống chặt chém, thực phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng…, các cấp hội phụ nữ từ huyện đến cơ sở đã triển khai tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về nếp sống văn hóa, văn minh trong các khu, điểm du lịch. Cùng với đó khuyến khích chị em thành lập các CLB như: "Phụ nữ với an toàn thực phẩm", "Phụ nữ với văn hóa du lịch", "Tổ liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch văn minh"… để liên kết với nhau, ký cam kết cùng chấp hành các quy định về kinh doanh, buôn bán; không tăng, ép giá khi vào mùa du lịch; không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc để chế biến thức ăn phục vụ khách; đặc biệt trong quá trình làm du lịch phải nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ khách có văn hóa, văn minh, lịch sự, thân thiện, hòa nhã, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách. Hiện trên địa bàn huyện Hoa Lư có hàng chục nghìn phụ nữ được tạo việc làm từ ngành du lịch, dịch vụ, đảm bảo mức thu nhập thường xuyên ổn định từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Bà Nguyễn Thị Tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thực hiện các chương trình, nghị quyết về phát triển du lịch cũng như bảo tồn các giá trị di sản lịch sử, văn hóa của tỉnh; đặc biệt để hình thành và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh tại các khu, điểm du lịch, Hội phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo Hội phụ nữ các cấp xây dựng các mô hình điểm về văn minh, đảm bảo môi trường, an toàn thực phẩm, bảo tồn nghề truyền thống… tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh, góp phần cùng ngành Du lịch tăng doanh thu, nâng cao khả năng cạnh tranh với ngành du lịch các tỉnh trong nước và ngày càng phát triển bền vững. Năm 2017, Hội phụ nữ các cấp đã duy trì và nhân rộng mô hình "Đường hoa phụ nữ", CLB "Phụ nữ với an toàn thực phẩm", "Phụ nữ với văn minh du lịch", "Phụ nữ tham gia bảo tồn nghề truyền thống"… tại nhiều địa phương trong tỉnh. Cùng với đó tổ chức nhiều buổi ra quân vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch, thu hút hàng nghìn cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia… Hội phụ nữ tỉnh đã tổ chức Hội thi và trưng bày "Mâm ngũ quả tiến Vua" tại Lễ hội Hoa Lư 2017 với 8 đội tham gia, đại diện cho 8 đơn vị cấp huyện… Thông qua các CLB, hội thi, góp phần tuyên truyền, giáo dục, bảo tồn, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, quảng bá tiềm năng du lịch, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước về với Ninh Bình.
Hạnh Chi