Sau hai năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình trong việc học và làm theo lời Bác, góp phần tích cực vào việc thực hiện công tác Hội và phong trào phụ nữ. Làm theo lời Bác đối với các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đồng nghĩa với việc quan tâm làm tốt các nội dung, chương trình công tác Hội để chăm lo lợi ích thiết thực cho mỗi hội viên, phụ nữ. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi hội viên, phụ nữ đều nắm bắt và hiểu được những nội dung của Cuộc vận động.
Ngay từ bước học tập, Hội phụ nữ các cấp đã lồng ghép việc tuyên truyền qua hội nghị, tài liệu với việc tổ chức hội thi báo cáo viên, sinh hoạt CLB, các hoạt động văn nghệ, tham quan... để ý nghĩa, mục đích, nội dung của Cuộc vận động, những phẩm chất, chuẩn mực đạo đức, tấm gương của Người... được cán bộ, hội viên liên hệ với thực tiễn cuộc sống lao động sản xuất, công tác, sinh hoạt của mình. Với vai trò là đoàn thể, đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của giới nữ trong toàn tỉnh, các cấp Hội phụ nữ đã quan tâm triển khai hiệu quả các hoạt động giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Hai năm qua, các cấp Hội đã khai thác, quản lý trên 500 triệu đồng tiền vốn vay, phối hợp với các doanh nghiệp, tổ hợp mở được 453 lớp dạy nghề cho 22.182 lượt người, các buổi chuyển giao KHKT về sản xuất, chăn nuôi... được quan tâm làm tốt để hỗ trợ hội viên, phụ nữ có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Trong đó, có 10.940 phụ nữ nghèo được các cấp Hội giúp đỡ về vốn, kiến thức KHKT, ngày công, con giống... để phát triển kinh tế.
Đặc biệt, việc giúp đỡ hội viên nghèo, nhất là hội viên phụ nữ nghèo đứng chủ hộ được quan tâm và có biện pháp giúp đỡ phù hợp để hội viên nghèo có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống. Năm 2007 đã có 7.660/8.372 hộ nghèo, năm 2008 có 8.048/8.292 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được các cấp Hội giúp đỡ giảm nghèo.
Qua hai năm, đã có 971 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ thoát nghèo. Nhiều hộ phụ nữ nghèo không chỉ được giúp đỡ các điều kiện để phát triển kinh tế mà còn được hội viên, phụ nữ giúp đỡ ngày công, kinh phí... để xây mới, sửa chữa nhà dột nát. Đối với ba xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Gia Viễn được Hội phụ nữ phối hợp giúp đỡ, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo ở các xã: Gia Minh, Gia Phong, Gia Lạc đã giảm trung bình hơn 10%/xã.
Từ các nội dung, chương trình công tác Hội và phong trào phụ nữ đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu trong việc học và làm theo Bác để hội viên, phụ nữ học tập. Trong đó, nổi bật là các mô hình tiết kiệm theo tấm gương của Bác. Có thể kể đến mô hình "ống tiết kiệm" của chi hội phụ nữ thôn Minh Hồng (xã Xích Thổ - Nho Quan) với 155 hội viên tham gia, mô hình "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm vì phụ nữ nghèo" của Hội phụ nữ xã Thanh Lạc (Nho Quan) với sự tham gia của 22 người là cán bộ Hội... đã góp phần làm sinh sôi, nảy nở những đồng tiền tiết kiệm nhỏ hàng ngày để giúp đỡ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Việc thực hành tiết kiệm đối với hội viên, phụ nữ được triển khai ở nhiều nơi, với mục đích khác nhau nhưng đều chung ý nghĩa giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình như: Hơn 200 hội viên chi hội phố Hàn Thuyên (phường Nam Bình - thành phố Ninh Bình) tiết kiệm mỗi người 5.000 đồng/tháng để làm quỹ ủng hộ con phụ nữ nghèo vượt khó học giỏi.
Hội Phụ nữ xã Khánh Công (Yên Khánh) lại có cách giúp đỡ hội viên nghèo theo phương thức tổ chức ký cam kết giữa các chi hội và 16 gia đình phụ nữ nghèo được giúp đỡ để có các biện pháp giúp phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình và địa phương. Năm 2008 đã có 15/16 hộ thoát nghèo nhờ tình cảm và trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ, thông qua các hoạt động quen thuộc như: Vay vốn, chuyển giao KHKT, giúp ngày công, con giống...
Đối với Hội Phụ nữ huyện Kim Sơn, với việc thành lập CLB "Vì ngày mai tươi sáng" đã tập hợp được hơn 30 phụ nữ là người có HIV để giúp họ từng bước sống vui, sống khỏe, hòa nhập với cộng đồng. Qua đó, giúp xóa bỏ sự mặc cảm, tự ti của người có HIV và kêu gọi cộng đồng, toàn xã hội không xa lánh mà hãy cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ họ...
Hay như mô hình của Hội Phụ nữ xã Gia Thanh (Gia Viễn); các xã Khánh Thành, Khánh Cư (Yên Khánh) mượn diện tích đất của những hộ gia đình không làm vụ đông để trồng cây vụ đông gây quỹ Hội. Hội phụ nữ thị xã Tam Điệp xây dựng quỹ "Vì phụ nữ nghèo" đã tiết kiệm được 30 triệu đồng giúp cho 19 hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo, xây dựng 1 công trình nước sạch cho phụ nữ có HIV...
Cuộc vận động đối với hội viên, phụ nữ không chỉ có tác động tích cực, hiệu quả đến việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng là thông qua việc học và làm theo lời Bác đã xây dựng được tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, lối sống trong cán bộ, hội viên, phụ nữ, vận động cán bộ, hội viên nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, khẳng định được vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội như lời khen của Bác dành cho phụ nữ Việt Nam "giỏi việc nước, đảm việc nhà".
Lý Nhân