Trong đó, xác định ý thức tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hội viên cựu chiến binh đã mạnh dạn đầu tư kinh phí, nhận những diện tích bỏ hoang hoặc cho năng suất thấp để hình thành các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới. Đồng thời, những mô hình làm nghề tiểu thủ công nghiệp, trang trại… do hội viên cựu chiến binh đứng chủ đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, là tiền đề để vận động người dân địa phương học tập, triển khai. Nhắc đến những tấm gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở huyện Kim Sơn, có thể kể đến cựu chiến binh Nguyễn Kim Thành (Hội Cựu chiến binh xã Cồn Thoi) với cơ sở chế tác đá mỹ nghệ tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với thu nhập từ 7,5- 9 triệu đồng/người/tháng, mô hình của cựu chiến binh Phạm Văn Mạnh (xã Cồn Thoi) với diện tích chăn nuôi gần 60.000m2 thường xuyên có 3.000 con vịt đẻ, 2.000 con ngan thịt và lò ấp trứng công nghệ cao, cơ sở bán thức ăn gia súc, gia cầm. Thu nhập từ mô hình kinh tế tổng hợp cho doanh thu trên 600 triệu đồng/năm… Để giúp hội viên có vốn phát triển sản xuất, cùng với việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên về kiến thức, kỹ thuật, Hội Cựu chiến binh Kim Sơn đã nhận ủy thác trên 56 tỷ đồng, cho 2.900 hộ hội viên vay. Từ nguồn vốn này, nhiều hội viên đã làm ăn đạt hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đến nay, tỷ lệ hộ hội viên nghèo trong toàn Hội chỉ còn 1,17%...
Đối với các cấp Hội Cựu chiến binh trong tỉnh, vận động hội viên nêu cao ý chí, tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau thoát nghèo, nâng cao đời sống, làm giàu hợp pháp được chú trọng thực hiện hiệu quả. Các cấp Hội Cựu chiến binh đã bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Hội để chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương thực hiện các chương trình kinh tế- xã hội, huy động các nguồn lực để giúp cựu chiến binh giảm nghèo, xóa nhà dột nát, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống. Thông qua sinh hoạt Hội và các chương trình, hoạt động của Hội, các cấp Hội Cựu chiến binh đã làm tốt công tác động viên cán bộ, hội viên đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề. Nhiều hội viên cựu chiến binh đã gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ, tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây, con mới vào canh tác. Các cấp Hội đã phối hợp với các ban, ngành liên quan ở địa phương tổ chức được 90 buổi tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho 4.645 hội viên, tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo 46 buổi cho 1.235 hội viên, tập huấn xây dựng nông thôn mới 57 buổi cho 7.380 lượt hội viên tham gia… Năm qua, các cấp Hội tiếp tục ký kết với Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp duy trì 555 tổ tiết kiệm và vay vốn, cho 18.146 hộ vay, số dư nợ hiện có là 398.499 triệu đồng, tăng trên 13 tỷ đồng so với năm trước, dư nợ quá hạn toàn Hội giảm xuống còn 0,2%. Bên cạnh việc cho vay vốn từ ngân hàng, các cấp Hội tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc vay vốn và sử dụng vốn vay của hội viên. Do đó, nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Trong năm 2015 đã có 79 hộ hội viên nghèo được giúp thoát nghèo.
Đến nay, số hộ hội viên nghèo toàn Hội còn 456 hộ, chiếm 0,99%, hộ cận nghèo còn 690 hộ, chiếm 1,53%. Đặc biệt, toàn tỉnh có 1 tổ chức Hội cấp trên cơ sở là Hội Cựu chiến binh thành phố Ninh Bình không còn hội viên nghèo, 31 cơ sở Hội xã, phường, thị trấn và 1.199 chi hội không còn hội viên nghèo.
Phan Hiếu