"Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa…"
Những ai đã từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh sẽ không thể quên được mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo cho các cánh quân lúc bấy giờ "Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam". Những khẩu hiệu đó bác Đàm Ngọc Bính (Phố Ngọc Hà, phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình) vẫn nhớ nguyên trong tâm trí.
Nhập ngũ từ năm 1972 khi mới tròn 16 tuổi, bác Bính vào chiến trường miền Nam chiến đấu và trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh tại trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn I. Nhiệm vụ của Trung đoàn bác khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh là tiêu diệt Sư đoàn 5 bộ binh của Ngụy. Sư đoàn này được mệnh danh là "Sư đoàn Hổ Xám", với lực lượng quân tinh nhuệ, trang bị vũ khí hiện đại, là một trong những mắt xích quan trọng để phá vỡ thế trận của địch. Bác nói "Đây là trận đánh có ý nghĩa đặc biệt với tôi vì cùng với đồng đội chúng tôi đã góp một phần nhỏ bé để mở cửa ngõ cho quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4".
Để đánh thắng trận Lai Khê, Trung đoàn của bác chia ra làm 3 mũi tấn công với đồng loạt bộ binh, pháo binh, xe tăng cùng nổ súng. Trong trận đánh này với mục tiêu "đánh nhanh thắng nhanh", tất cả các chiến sỹ trong trung đoàn ồ ạt xông lên với một tinh thần quyết thắng làm cho địch hoang mang, rút chạy. Trung đoàn của bác đã bắt sống hơn 1000 tên địch, tiêu diệt hơn 100 tên, thu hơn 3.000 vũ khí trang bị các loại. Trong lúc chiến đấu, bác đã bị thương ở đầu và ở chân nhưng bác tâm sự "Lúc đó vui mừng quá nên quên hết cả đau đớn, băng bó xong là lại tiếp tục ra chiến trường". Đánh thắng trận Lai Khê, tiêu diệt gọn Sư đoàn Hổ Xám, bác Bính cùng đồng đội được lệnh hành quân thần tốc vào Sài Gòn. Trên đường hành quân Trung đoàn được nhân dân cổ vũ, động viên làm tăng thêm khí thế hừng hực và niềm tin vào chiến thắng.
Bác Đàm Ngọc Bính cùng vợ xem lại
những kỷ niệm thời chiến trường. Ảnh: Phạm Trường
Niềm vui ngày độc lập
Nhớ lại giây phút cùng với Tiểu đội trinh sát thuộc Đại đội trinh sát của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn II tiến vào Sài Gòn, bác Bùi Văn Triệu (Thôn 4, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh) không giấu nổi niềm xúc động: "Tôi không thể diễn tả được cảm xúc của mình lúc đó - Vừa hân hoan, rạo rực trong niềm vui chiến thắng, vừa xúc động nghĩ về những đồng đội đã ngã xuống để có được thời khắc ấy". Những năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Nam, tham gia chiến dịch Mậu Thân, đánh thành cổ Quảng Trị…, nhiều lần bác đã khóc trước những hy sinh của đồng đội.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn của bác được giao nhiệm vụ đánh tại Long Thành- một trong những cửa ngõ của Sài Gòn vì từ đây theo đường Cát Lái sẽ tới Quận 9 rồi vào Quận 1. Trận đánh Long Thành của Trung đoàn Bác bắt đầu từ 26/4/1975, diễn ra ác liệt trong vòng 3 ngày. Đến ngày 29/4, trận đánh kết thúc trong niềm vui của các chiến sỹ quân giải phóng. Bác Triệu cùng 6 người nữa thuộc tiểu đội thông tin tiến vào Sài Gòn.
Thời điểm trưa ngày 30/4 khi cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc Lập bác không thể giấu nổi niềm vui khi nghĩ về chiến thắng, hòa bình, thống nhất đất nước, không còn chiến tranh, không còn bom đạn, không còn chia ly, được sum họp cùng gia đình. "Không hiểu sao trong lúc đó nước mắt tôi lại trào ra. Nhưng đó là giọt nước mắt của hạnh phúc, của vui sướng. Đó cũng là giọt nước mắt cho biết bao đồng đội đã hy sinh…".
Những kỷ niệm, những tâm trạng của những người đã tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh dù có khác nhau nhưng cùng hội tụ một điểm: Họ đã chiến đấu hết mình vì Tổ quốc, vì "Độc lập thống nhất" để rồi khi trở về với thời bình họ lại tiếp tục cống hiến để xứng đáng với những trang sử vẻ vang của dân tộc mà chính họ đã góp công viết nên. Gặp, trò chuyện với những người con Ninh Bình đã từng chiến đấu tại chiến trường miền Nam, chúng tôi không khỏi xúc động về một thế hệ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai".
Quỳnh Thu