Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm góp phần đẩy mạnh phong trào phát triển kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, rèn luyện kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên; đào tạo nguồn nhân lực mới có tay nghề bổ sung vào lực lượng lao động của tỉnh.
Dẫn đoàn thí sinh của trường tham gia hội thi và cũng là thành viên trong ban giám khảo, thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, giáo viên khoa Hàn, Trường Trung cấp nghề H13 cho biết, đây là lần thứ 8 kỳ thi tay nghề của tỉnh được tổ chức và năm nay là năm thứ 3 liên tiếp thầy tham gia hội thi với vai trò là giám khảo. Mỗi năm, tiêu chí của các nội dung thi được cải cách, đổi mới khá toàn diện, do đó chất lượng kỳ thi cũng được nâng cao, bắt nhịp được với xu thế trên thế giới và yêu cầu của thị trường lao động. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, mỗi nhà trường đều có cách làm riêng để lựa chọn và bồi dưỡng tay nghề, kiến thức cho các thí sinh. Riêng Trường Trung cấp nghề H13, ngay khi nhận được thông báo về hội thi, nhà trường đã tổ chức các cuộc thi vòng loại để lựa chọn những thí sinh có sức khỏe, tay nghề cao đại diện cho nhà trường dự thi ở hội thi lần này. Những ứng viên trước khi bước vào vòng chung khảo đều có thời gian ôn thi lý thuyết và gửi đến các cơ sở thực hành chất lượng cao để tham gia thực hành. Có thể khẳng định, những thí sinh tham gia hội thi đều là những người có tay nghề tốt.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thị trường lao động tại tỉnh ta ngày càng phát triển, đòi hỏi nguồn nhân lực có tay nghề, có trình độ. Việc chú trọng đến công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu thị trường lao động trên cơ sở phát triển mạnh các cơ sở dạy nghề và nâng cao năng lực hoạt động của các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh là hết sức cấp bách và cần thiết. Vì vậy, việc tổ chức phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, các hội thi, hội giảng ở các cấp đã luôn nhận được sự quan tâm của các ngành và lãnh đạo các trường, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
Sau hơn 1 tháng được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho Hội thi tay nghề giỏi tỉnh Ninh Bình lần thứ VIII, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện, xây dựng Việt -Xô đã chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, nội dung các bài thi được thiết kế phù hợp với từng chuyên ngành học của học sinh, sinh viên. Ông Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện, xây dựng Việt-Xô cho biết: Hội thi là nơi hội tụ học sinh, sinh viên giỏi về kỹ năng nghề của các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh, là dịp để các em trình diễn, so tài những kỹ năng đỉnh cao, năng lực ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới. Kết quả đạt được của hội thi sẽ thể hiện được chất lượng dạy nghề của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh và sự học tập rèn luyện tay nghề của thí sinh được nâng lên. Đây cũng thể hiện sự đầu tư của các trường dạy nghề về trang thiết bị dạy nghề và đổi mới nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy huấn luyện tay nghề cho học sinh, sinh viên. Bởi vậy, ngay sau khi nhận được kế hoạch, nhiều đơn vị dạy nghề đã rất hào hứng, tích cực ôn luyện để tham gia hội thi đạt được nhiều kết quả cao.
Những năm qua, công tác dạy nghề đã có những bước tiến đáng kể. Hiện, trên địa bàn tỉnh ta có 25 trường, cơ sở dạy nghề, trong đó có 3 trường cao đẳng nghề, 6 trường trung cấp nghề. Theo khảo sát, đến nay, toàn tỉnh có trên 1.000 giáo viên dạy nghề, trong đó giáo viên có trình độ trên đại học và đại học chiếm trên 70%, số giáo viên đạt chuẩn chiếm gần 90%. Cơ sở vật chất, trường lớp được quan tâm đầu tư. Đồng thời, các chương trình dạy nghề cũng từng bước được hoàn thiện căn cứ vào chương trình khung của Tổng cục Dạy nghề và nhu cầu của thị trường lao động. Nhiều cơ sở dạy nghề cũng đã chủ động tham khảo các chương trình đào tạo của các trường trong cả nước để phát triển chương trình đào tạo trong thời gian tới. Trong năm qua các cơ sở dạy nghề đã đào tạo và cung cấp cho thị trường lao động hơn 17.000 lao động có tay nghề.
Nguyễn Hùng