Dự hội thảo có các đồng chí: Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trần Hữu Bình, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo Tổng Cục Du lịch, Hội Di sản văn hóa Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu khoa học trong nước về lĩnh vực văn hóa, lịch sử, khảo cổ học, kiến trúc; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương và đông đảo các công ty lữ hành quốc tế.
Hội thảo đã có 21 tham luận, 18 ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đóng góp để xác định giá trị của Cố đô Hoa Lư và khu du lịch sinh thái Tràng An, nhất là những yếu tố có giá trị nổi bật toàn cầu làm căn cứ khoa học để xây dựng hồ sơ trình UNESSCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Đồng chí Trần Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm của các nhà khoa học đối với những giá trị văn hóa, sự phát triển du lịch của Ninh Bình. Hội thảo là cơ sở quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa, khai thác giá trị tài nguyên du lịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định đây là cuộc hội thảo quan trọng và có ý nghĩa để nhìn nhận khách quan, trung thực về Cố đô Hoa Lư, từ đó xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa thế giới. Hội thảo đã gợi mở ra nhiều hướng tiếp cận khác nhau giúp cơ quan quản lý có những định hướng, tính toán phù hợp trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Để giữ vững các giá trị văn hóa, thiên nhiên, tỉnh Ninh Bình cần phải đẩy mạnh việc triển khai các hạng mục bảo tồn, khoanh vùng bảo vệ di sản, đảm bảo môi trường cảnh quan và chủ động, tích cực hoàn thiện hồ sơ công nhận Cố đô Hoa Lư xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới. Đồng thời nghiên cứu xây dựng đền vua Lý Thái Tổ ở Cố đô Hoa Lư, đẩy mạnh các hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà nội.
Hoàng Tâm