Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại điểm cầu Ninh Bình, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao chủ trì hội thảo; cùng dự có lãnh đạo một số Sở và Văn phòng UBND tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong những năm qua, văn hóa Việt Nam với những giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học đã lan tỏa mạnh mẽ ra thế giới.
Nhiều giá trị tiêu biểu đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, hòa mình vào dòng chảy chung và làm phong phú thêm nền văn minh nhân loại đây chính là quá trình quốc tế hóa văn hóa Việt Nam.
Đồng thời, quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng cũng giúp Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn cho giao lưu văn hóa quốc tế, chủ động tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Việc này không chỉ mở ra cơ hội phát triển mà còn giúp Việt Nam vượt qua thách thức, giữ gìn bản sắc và làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc đây là quá trình Việt Nam hóa văn hóa quốc tế.
Bộ trưởng khẳng định hai quá trình này song hành, bổ trợ tích cực cho nhau, tạo thành sức mạnh mềm, góp phần giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và định vị Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức không nhỏ. Để thúc đẩy quá trình này, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng.
Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam có vai trò then chốt trong việc nâng cao vị thế của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời tích cực đóng góp vào sự phát triển văn hóa nhân loại và cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ngược lại, Việt Nam hóa văn hóa quốc tế giúp tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo môi trường hòa bình và tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội bền vững, thuận lợi cho công cuộc hội nhập quốc tế.
Sự song hành, bổ trợ của hai quá trình này khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường sức mạnh mềm, vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Đề án “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”.
Đề án nhằm khẳng định và phát huy vai trò, đóng góp của công tác quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế, để văn hóa thực sự trở thành nguồn xung lực đột phá, đóng góp ngày càng sâu rộng, hiệu quả vào sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Thực hiện thắng lợi các mục tiêu quan trọng: đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đề án bao gồm 6 phần chính: Cơ sở xây dựng đề án; Bối cảnh, cơ hội và thách thức; Quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2024; Các giải pháp; Tổ chức thực hiện.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận nhiều nội dung quan trọng như: định hướng phát triển văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong kỷ nguyên mới của dân tộc; chủ trương, đường lối của Đảng và một số định hướng về phát triển công tác quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế; vai trò của văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước; vai trò của ngoại giao văn hóa đối với quá trình quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế; sáng kiến, giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong quá trình phát triển văn hóa Việt Nam vươn tầm quốc tế...
Thông qua Hội thảo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn khẳng định và phát huy vai trò, đóng góp của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa đối ngoại nói riêng trở thành nguồn xung lực đột phá, đóng góp ngày càng sâu rộng, hiệu quả vào sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đã đề ra.