Theo Sở Lao động, Thương binh và xã hội, đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 3.100 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, nhưng theo điều tra chỉ có trên 1.600 doanh nghiệp hoạt động với khoảng 80 nghìn lao động. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 4/2012, toàn tỉnh chỉ có 71,5% doanh nghiệp còn hoạt động thực tế; 9,2% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; 10,8% doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa đi vào hoạt động; 8,5% doanh nghiệp chuyển đổi, giải thể, phá sản, tập trung vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo Phòng lao động - tiền lương (Sở Lao động, Thương binh và xã hội), trong 7 năm (2006-2012) xảy ra 48 vụ tai nạn chết người, với 56 người chết. Nguyên nhân các vụ TNLĐ do nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu do rơi, ngã, điện giật, điện phóng, ngạt khí, vật rơi, sập…; trong đó lỗi của người lao động là 5 vụ, lỗi do người lao động và người sử dụng lao động là 38 vụ, còn lại lỗi rủi ro khác. Các vụ tai nạn lao động chủ yếu được xử lý hành chính, không có vụ nào khởi tố vụ án hình sự…
Các đại biểu dự hội thảo đã phát biểu tham luận, nêu ý kiến, kiến nghị về công tác quản lý nhà nước về sức khỏe người lao động, vệ sinh lao động; công tác quản lý nhà nước về kỹ thuật an toàn và môi trường; về công tác phòng, chống cháy nổ; về vai trò của phòng Lao động TBXH các huyện, thị xã, thành phố đối với công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ…
Để hạn chế tai nạn lao động trong những năm tiếp theo, cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý nhà nước… cùng vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động và người lao động thực hiện nghiêm túc công tác an toàn vệ sinh lao động, nhằm không ngừng giảm thiểu số vụ tai nạn lao động trên địa bàn.
Mỹ Hạnh