Dự khai mạc Hội thảo, đại biểu Trung ương có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Đại biểu thuộc các đơn vị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; Hội Khoa học xã hội Việt Nam; Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc; Viện Văn hóa Nghệ thuật, thể thao và du lịch quốc gia Việt Nam; Viện Sử học, Viện Văn hóa; Tạp chí Văn hiến Việt Nam…
Đại biểu tỉnh Ninh Bình dự Hội thảo có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Tống Quang Thìn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Mai Hoa, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ;lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Hội Di sản văn hóa tỉnh; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, Hà Nam; đại diện các huyện, thành phố; các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên sân khấu…
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Tống Quang Thìn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã phát biểu khai mạc Hội thảo.
Trong những năm qua, song song với phát triển kinh tế-xã hội để trở thành 1 trong 16 tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách, có điều tiết về ngân sách Trung ương, xác định chỉ có phát triển trên nền tảng văn hóa mới bền vững, tỉnh Ninh Bình đã tập trung đầu tư cho văn hóa cơ sở và các loại hình văn hóa khác, trong đó có các loại hình nghệ thuật truyền thống. Tổng chi ngân sách thường xuyên nhiệm kỳ 2015 - 2020 cho văn hóa chiếm 30% ngân sách. Tổng kinh phí đầu tư công trung hạn cho văn hóa giai đoạn 2021-2026 chiếm khoảng 24% tổng đầu tư công của tỉnh. Do đó, văn hóa Ninh Bình trong thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc, đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 218, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về công nghiệp văn hóa, hướng đến xây dựng Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa, tổ chức sự kiện của quốc gia, mang tầm quốc tế. Phấn đấu xây dựng công nghiệp văn hóa và du lịch trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn. Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh, trong đó có nghệ thuật sân khấu là 1 trong 10 định hướng trọng tâm.
Trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Nhà hát Phạm Thị Trân, ban hành chính sách ưu đãi riêng cho các nghệ sỹ Nhà hát Chèo, tăng số vở diễn, lượt diễn, mở nhiều lớp dạy hát chèo cho hàng nghìn học viên của các câu lạc bộ chèo cơ sở, xây dựng, duy trì gần 300 câu lạc bộ văn nghệ, trong đó có 115 câu lạc bộ chèo truyền thống đang hoạt động với hàng nghìn thành viên tham gia luyện tập và sinh hoạt thường xuyên. Các câu lạc bộ này sẽ được hỗ trợ kinh phí hàng tháng nếu tham gia biểu diễn cho khách du lịch theo chính sách riêng của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nghệ nhân hát chèo được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
Để tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, bổ sung, làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa được coi là biểu tượng văn hóa đặc trưng trong các giai đoạn phát triển của vùng đất Cố đô Hoa Lư, Hội thảo khoa học hôm nay mong muốn được lắng nghe các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nghệ sỹ, nghệ nhân trao đổi, phân tích, làm rõ một số vấn đề làm sáng tỏ thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Ưu bà Phạm Thị Trân, một trong những nhân vật lịch sử thời Đinh, đánh giá tầm quan trọng về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thể hiện qua thân thế, sự nghiệp của bà đối với nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung và nghệ thuật hát Chèo của Việt Nam nói riêng, đồng thời đề xuất phương hướng, giải pháp để ghi nhận, tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản Ưu Bà Phạm Thị Trân trong việc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khẳng định: Từ ngày thành lập, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm coi văn hóa, văn học, nghệ thuật là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững đất nước. Qua các thời kỳ cách mạng, nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận quan trọng đã được ban hành, khẳng định vai trò đặc biệt của văn hóa-nghệ thuật trong việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Trong bối cảnh ấy, việc tổ chức Hội thảo khoa học ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng và sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Đây không chỉ là dịp để chúng ta cùng nghiên cứu, nhìn lại và tôn vinh một nhân vật lịch sử đặc biệt-người có đóng góp to lớn đối với nền văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc mà còn là cơ hội để cùng nhau suy ngẫm về trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cụ thể là trong lĩnh vực sân khấu, đặc biệt là nghệ thuật Chèo.
Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới với nhiều thời cơ và thách thức đan xen, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm một số định hướng: Tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kết luận của Đảng về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện; tăng cường công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật Chèo. Cần xây dựng các chương trình, dự án có tính hệ thống, bền vững, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ KHCN trong công tác bảo tồn, truyền thông và phổ biến di sản; khuyến khích sáng tạo nghệ thuật, tạo điều kiện cho sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa dân gian và văn hóa đương đại, để từ đó hình thành những tác phẩm sân khấu mới mang bản sắc Việt, có sức lan tỏa; chú trọng công tác giáo dục văn hóa truyền thống trong trường học, giúp thế hệ trẻ hiểu, yêu và tự hào với di sản văn hóa của cha ông. Đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, cuộcthi tìm hiểu, các chương trình nghệ thuật cộng đồng nhằm lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc…
Đồng chí cũng bày tỏ tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của giới chuyên môn và toàn xã hội, các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nghệ thuật sân khấu Chèo mà Ưu bà Phạm Thị Trân đã khai sáng sẽ tiếp tục được giữ gìn, phát huy và tỏa sáng trong đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đề dẫn tại Hội thảo do nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc trình bày cho thấy: Dù Ưu bà Phạm Thị Trân từ lâu đã được công nhận là bà tổ của nghệ thuật chèo, bà tổ đầu tiên của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, ngày giỗ của bà đã được Chính phủ công nhận là ngày Giỗ Tổ của sân khấu Việt Nam. Tuy vậy, thân thế và sự nghiệp của Ưu bà Phạm Thị Trân vẫn chưa được biết đến đầy đủ và rộng rãi. Ngay trong giới hoạt động chèo và sân khấu, không ít người vẫn không biết Ưu bà Phạm Thị Trân là ai. So với cha ông ta, những người đã phong thánh, phong thành hoàng làng cho Ưu bà Phạm Thị Trân, lập các đền phủ thờ Ưu bà như nhiều vị tổ khác của tín ngưỡng thờ mẫu hay Đức Thánh Trần, sự tôn vinh của thế hệ hôm nay dành cho Ưu bà Phạm Thị Trân có lẽ còn chưa xứng đáng.
Do đó, Hội thảo là dịp để chúng ta tìm hiểu sâu sắc, kỹ càng hơn về thân thế, sự nghiệp của Ưu bà, đánh giá đúng hơn ý nghĩa sự xuất hiện của một vị tổ sân khấu Việt Nam ở thế kỷ thứ 10, tìm ra các hình thức tôn vinh sâu rộng hơn, có hiệu quả hơn đối với Ưu bà Phạm Thị Trân. Học theo ông cha, chúng ta cần đánh giá một cách xứng đáng nhất người sáng lập ra nghệ thuật chèo, bộ môn sân khấu cổ nhất, giàu bản sắc dân tộc nhất, được hâm mộ rộng rãi nhất, có sức sống lâu bền nhất ở vùng đất cội nguồn của dân tộc.
* Dưới sự chủ trì của các đồng chí: Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình; nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc; PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; TS. Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Hội thảo đã tiến hành phiên thảo luận với 2 chuyên đề: Quê hương, thân thế, sự nghiệp của Ưu bà Phạm Thị Trân và Phát huy di sản của Ưu bà Phạm Thị Trân trong phát triển kinh tế-xã hội hiện nay.
Các tham luận đã tập trung thảo luận về các nội dung: về thân thế, sự nghiệp và ý nghĩa của việc xuất hiện Bà tổ đầu tiên của sân khấu Việt Nam-Ưu bà Phạm Thị Trân; phân tích, đánh giá những đóng góp và di sản của Ưu bà Phạm Thị Trân trong phát triển nghệ thuật hát Chèo nói riêng và nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung; đề xuất phương hướng, giải pháp nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu, di sản của Ưu bà Phạm Thị Trân trong việc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nghệ sỹ cũng đề xuất một số vấn đề: Tỉnh Ninh Bình sớm đặt tên đường phố mang tên Ưu bà Phạm Thị Trân; sau sáp nhập 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, xây dựng đề án để xây dựng không gian văn hoá nghệ thuật Ưu bà Phạm Thị Trân-Bà tổ nghề hát Chèo nhằm tri ân những công lao của Ưu bà và những nghệ sỹ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật Chèo dân tộc, là nơi để các nghệ sỹ cả nước hội tụ về tri ân tổ nghề dịp 12/8 âm lịch, góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc…
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Các ý kiến tham luận tại Hội thảo rất có giá trị không chỉ cho ngành sân khấu Việt Nam mà đối với cả địa phương tỉnh Ninh Bình. Những ý kiến này đề nghị các đơn vị tổ chức Hội thảo tổng hợp lại, bổ sung vào kế hoạch thực hiện phát triển công nghiệp văn hoá được đề ra tại Nghị quyết số 22/NQ-TU ngày 28/2/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh với mục tiêu công nghiệp văn hoá cùng du lịch trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó công nghiệp biểu diễn thuộc 10 lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hoá của địa phương.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng chia sẻ về bối cảnh, cuộc đời, sự nghiệp của bà Phạm Thị Trân với tư cách Ưu bà, vai trò của phụ nữ trong cấu trúc xã hội thời Đinh-Tiền Lê, sâu khấu thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam… Qua đó khẳng định: Câu chuyện của Ưu bà là câu chuyện lớn hơn nhiều về câu chuyện tổ nghề Chèo, mà là câu chuyện về sự nghiệp phục hưng nền văn hoá dân tộc, về nhu cầu Việt hoá để xây dựng hồn cốt dân tộc. Phát triển công nghiệp văn hoá của tỉnh Ninh Bình xác định gồm 10 lĩnh vực, trong đó công nghiệp biểu diễn là 1 lĩnh vực dựa trên tính giải trí, tính sáng tạo nghệ thuật, sản xuất sản phẩm tiếp cận với thị trường và phục vụ phát triển du lịch. Mong rằng sau Hội thảo này, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các cơ quan Trung ương sẽ giúp tỉnh Ninh Bình để nâng tầm công nghiệp biểu diễn từ các ngành biểu diễn nghệ thuật truyền thống theo đúng tính chất là sản phẩm của công nghiệp văn hoá.
Kết luận Hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Kết quả của Hội thảo đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng và những đóng góp của Ưu bà Phạm Thị Trân đối với nghệ thuật Chèo cũng như nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp từ Hội thảo và kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ là tiền đề cần thiết, làm cơ sở khoa học khách quan để tỉnh triển khai các nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện các giải pháp nhằm phát huy các giá trị di sản của Ưu bà Phạm Thị Trân trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội giai đoạn hiện nay; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giáo dục nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, của vùng đất và con người Cố đô Hoa Lư. Qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.