Trong những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế và gia tăng dân số đã tạo ra nhiều áp lực đối với môi trường, làm cho đa dạng sinh học của nước ta bị suy thoái với tốc độ nhanh.
Diện tích các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh, nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao. Các nguồn gen hoang dã đang trên đà suy thoái nhanh và thất thoát nhiều. Suy thoái đa dạng sinh học dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và sinh kế của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của muôn loài và là trách nhiệm chung của mỗi tổ chức, cá nhân, Giáo hội phật giáo Việt Nam đã luôn đồng hành cùng chính quyền các cấp trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở nhiều cấp độ khác nhau.
Năm nay, nhân sự kiện ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, hội thảo "Giáo hội Phật giáo Việt Nam với công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học" được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, chia sẻ những bài học kinh nghiệm và phát huy hơn nữa vai trò của Giáo hội phật giáo Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nói riêng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ các nội dung: Hiện trạng đa dạng sinh học và các chính sách pháp luật trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam; đánh giá những kết quả của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thời gian qua; tìm ra những cầu nối quan trọng, đề xuất các giải pháp khả thi, mô hình hay, hoạt động cụ thể, cơ chế hiệu quả nhằm tăng cường sự gắn kết, phát huy hơn nữa vai trò của Giáo hội Phật giáo với công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
Giáng Hương - Anh Tuấn