Đồng chí Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - KHHGĐ chủ trì buổi hội thảo. Dự hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo Vụ quy mô dân số - KHHGĐ; đại diện lãnh đạo Sở Y tế Ninh Bình; Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ của 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Đề án "Xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020" (gọi tắt làđề án 818) được Bộ y tế phê duyệt ngày 12/3/2015. Đây là Đề án xã hội hóa đầu tiên trong lĩnh vực DS-KKHGĐ được triển khai nhằm đặt nền móng bền vững cho công tác DS-KHHGĐ trong tình hình phát triển mới của đất nước.
Từ năm 1962 đến nay, các PTTT, hàng hóa SKSS/KHHGĐ được Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách "bao cấp" (phát miễn phí) cho người dân, chiếm tới 60% thị phần. Chính sách này làm gia tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Để bù đắp nguồn ngân sách thiếu hụt thì xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ (còn gọi là công tư kết hợp-PPP) là một giải pháp có tầm quan trọng đặc biệt, mang tính chiến lược.
Phương thức này vừa giảm tải gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, vừa mở rộng và đẩy nhanh tiến độ cung cấp PTTT, dịch vụ và hàng hóa SKSS/KHHGĐ có chất lượng cao để thỏa mãn kịp thời yêu cầu của nhân dân đối với những hàng hóa, dịch vụ liên quan đến sức khỏe. Đây chính là cơ sở và động lực cho sự phát triển bền vững của chương trình DS-KHHGĐ trong thế kỷ XXI.
Tại hội thảo, các đại biểu các tỉnh thảo luận những thuận lợi, khó khăn của các đơn vị khi triển khai Đề án 818. Các ý kiến tập trung vào các nội dung như: Mức độ phổ cập BPTT chưa đạt yêu cầu đề ra của Chiến lược dân số-SKSS đến năm 2015 và nhiều khả năng thiếu BPTT trong thời gian tới.
Việc phân khúc thị trường cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS chưa rõ ràng và không có sự cân đối, thống nhất chung để có thể bảo đảm có đủ về PTTT, hàng hóa SKSS giữa các thị phần.
Thị trường thương mại PTTT còn quá nhỏ bé trong khi chính sách, pháp luật khuyến khích thị trường phát triển chưa đủ hấp dẫn; các nhà sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế chưa đủ tự tin để tham gia cung cấp PTTT, hàng hóa SKSS trên thị trường. Những khó khăn trong việc bảo đảm đủ về số lượng và có chất lượng về cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS trong những năm tới để duy trì mức sinh thay thế và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng...
Đề án818 được Tổng cục DS-KHHGĐ triển khai là một bước cụ thể hóa chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước. Đề án sẽ đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy cũng như trong phương thức tổ chức thực hiện cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ SKSS/KHHGĐ.
Đề án sẽ huy động, khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ SKSS/KHHGĐ có chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu CSSK của nhân dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.
Tiến Minh-Minh Quang